Bóng đá Việt Nam đã khép lại năm 2017 với đầy rẫy những tồn tại chưa khắc phục, bên cạnh những điểm sáng hiếm hoi được mang lại từ bóng đá nữ và một vài đội tuyển trẻ. Báo Người Lao Động tổng kết 6 sự kiện được xem là nổi bật nhất của bóng đá nước nhà trong năm qua:
Quảng Nam vô địch V-League nhưng câu chuyện "một ông chủ nhiều đội bóng" khiến đội bóng này trở thành tâm điểm dị nghị
1. Đội vô địch V-League bị hoài nghi
Vượt qua nhiều ứng viên vô địch để lên ngôi V-League 2017 ở vòng đấu cuối cùng, lẽ ra Quảng Nam phải nhận được sự ca tụng từ người hâm mộ cả nước. Đáng tiếc, tân vô địch V-League lại trở thành đề tài nghi ngờ từ người hâm mộ vì câu chuyện "một ông bầu nhiều đội bóng". Với những gì Quảng Nam đầu tư đầu mùa, hầu hết đều tin rằng đội bóng miền Trung chỉ có thể đứng ở tốp giữa nhưng khó hiểu là ngay từ đầu mùa, dư luận đã râm ran khả năng đội bóng xứ Quảng sẽ lên ngôi.
Dù sao, nhà vô địch 2017 đã rất nỗ lực, tiếng rằng họ không được dự AFC Champions League vì thiếu chuẩn, nhường suất cho FLC Thanh Hóa!
2. U23 Việt Nam rơi đài từ vòng bảng SEA Games
Thể hiện lối chơi tấn công ấn tượng ở những trận đầu nhưng chỉ vì những tính toán sai lầm về con người, thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng đã bị loại sớm từ vòng bảng. Nhà cầm quân xứ Nghệ đã xin từ chức ngay lập tức và 3 tháng sau, VFF chính thức lựa chọn HLV trưởng người Hàn Quốc Park Hang Seo thay thế.
U23 Việt Nam gây thất vọng khi bị loại từ vòng bảng SEA Games 2017
3. VFF lảng tránh trách nhiệm
Liên tục được AFC và AFF khen tặng vì những thành tích ở khâu đào tạo trẻ trong năm 2017. Điều này khiến dư luận chỉ trích dữ dội vì với thành tích của U23 tại giải đấu quan trọng nhất năm, VFF lẽ ra phải nhận trách nhiệm cao nhất nhưng đáng tiếc, chỉ có HLV Nguyễn Hữu Thắng phải trả giá. Trong thường trực VFF, cũng chỉ có ông bầu Đoàn Nguyên Đức lên tiếng từ chức phó chủ tịch VFF, các thành viên còn lại hoặc né tránh trách nhiệm, hoặc giữ im lặng trước sức ép dư luận. Có thể nói, người hâm mộ mất niềm tin rất nhiều với đội ngũ lãnh đạo VFF nhiệm kỳ 7.
4. VPF gặp khó ngay sau khi thay hội đồng quản trị
VPF đã chứng kiến một cuộc thay máu quy mô ở hội đồng quản trị nhưng ngay sau khi có tân chủ tịch HĐQT Trần Anh Tú (Thái Sơn Nam), phó chủ tịch Trần Mạnh Hùng (Hải Phòng), V-League 2018 phải chứng kiến nhà tài trợ chính Toyota rút lui. Bên cạnh đó, xuất hiện những thông tin bất đồng nội bộ, việc thâu tóm quyền lực, thải loại những thành viên cũ, dù chưa được kiểm chứng nhưng sẽ khiến HĐQT VPF phải đối mặt với nhiều thách thức, từ chuyện tìm kiếm tài trợ cho đến việc quảng bá hình ảnh giải đấu đang ngày một nhợt nhạt.
Sau khi được trao quyền tân chủ tịch HĐQT VPF, ông bầu Trần Anh Tú lập tức đối mặt với những khó khăn trong việc tìm kiếm tài trợ cho V-League 2018
5. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bắt bệnh bóng đá Việt - Tiếng vang Hội thảo "Tương lai bóng đá Việt"
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phê bình BTC hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện "Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" được Bộ VH-TT-DL tổ chức sáng 19-12 tại Hà Nội khi các báo cáo còn vòng vo khen ngợi, không đi đúng vào các vấn đề nổi cộm.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt ra nhiều vấn đề tại hội nghị Ảnh: Huy Thanh
Phó thủ tướng đã chất vấn và bắt "đúng bệnh" của bóng đá Việt. Kết thúc hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị tổ chức một cuộc đối thoại trước ngày 15-1-2018, chỉ có 1 bên hỏi, 1 bên trả lời, không làm hình thức quá.
Nguyên Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban TDTT Hà Quang Dự (bìa phải) đề nghị Tổng cục TDTT quyết tâm củng cố bộ môn bóng đá, chỉ đạo cải tổ bộ máy VFF theo hướng tinh gọn, chuyên môn hóa… Ảnh: Quang Liêm
Trước đó, vào cuối tháng 11-2017, Báo Người Lao Động cũng tổ chức khá thành công hội thảo "Tương lai bóng đá Việt" tại TP HCM với những góp ý, đề xuất cho bóng đá Việt phát triển bền vững, thu hút sự tham dự của nguyên Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban TDTT Hà Quang Dự, lãnh đạo Tổng cục TDTT, VPF, đại diện VFF, các chuyên gia, HLV, trọng tài kỳ cựu như Vũ Mạnh Hải, Lê Thụy Hải, Dương Mạnh Hùng. Các đại biểu tham dự cũng nêu ra trách nhiệm của VFF, những người quản lý, làm bóng đá về những tồn tại, yếu kém của bóng đá nước nhà hiện nay, trăn trở và kỳ vọng sắp tới...
6. Các đội tuyển lập kỷ lục dự VCK châu Á
Lần đầu tiên trong lịch sử, bóng đá Việt Nam chứng kiến trong cùng một năm, toàn bộ 6 đội tuyển đều giành suất tham dự VCK giải châu Á. Đó là đội tuyển quốc gia, đội tuyển nữ, đội tuyển futsal nam, đội U23, U19 và U16. Đội tuyển U23 Việt Nam sẽ là đội lĩnh ấn tiên phong khi tham dự VCK U23 châu Á tại Trung Quốc vào đầu tháng 1 năm 2018.
7. PVF mời Giggs, Scholes đào tạo trẻ
Bên cạnh việc khánh thành trung tâm bóng đá PVF có quy mô hiện đại bậc nhất Đông Nam Á tại Hưng Yên, lãnh đạo "lò" đào tạo bóng đá nổi tiếng này còn khiến người hâm mộ choáng váng với việc mời 2 cựu danh thủ CLB lừng danh thế giới Manchester United chăm lo công tác đào tạo trẻ. Có thể nói, sự xuất hiện của Ryan Giggs và Paul Scholes đã tạo nên luồng gió mới, giúp trung tâm bóng đá PVF trở thành điểm đến đầy hứa hẹn cho các cầu thủ "nhí" mơ ước được trở thành những ngôi sao bóng đá tương lai.
Ryan Giggs trở thành giám đốc bóng đá của PVF
Bóng đá trẻ cũng ít nhiều tạo dấu ấn trong năm khi nhiều CLB, "lò" chăm chút hơn cho những lứa kế cận.
Bình luận (0)