Những chàng trai U23 đã nâng vị thế Việt Nam trên bản đồ bóng đá châu Á, họ là những ai? Nói thẳng, họ là những thiếu niên được phát hiện, đào tạo và trưởng thành từ các lò đào tạo bóng đá trẻ của các doanh nghiệp.
Hơn 10 năm trước, chính xác là vào năm 2007, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HAGL, ông Đoàn Nguyên Đức, đã là người tiên phong mở ra con đường đào tạo bóng đá trẻ qua sự kiện thành lập Học viện Bóng đá HAGL JMG Arsenal.
Từ viên gạch đầu tiên này, lần lượt các doanh nghiệp đã nối tiếp đặt thêm nhiều viên gạch bóng đá trẻ khác ra đời là PVF, Hà Nội, Viettel… Bên cạnh những "lò" cũ như SLNA và bộ khung của đội U23 Việt Nam làm nên chiến tích lịch sử tại giải châu Á đều là sản phẩm của 4 doanh nghiệp đầu tư cho các lò đào tạo trẻ kể trên.
Sẽ thiếu sót lớn nếu không nói đến sân chơi U21 quốc gia do một tờ báo tổ chức suốt 21 năm qua rồi thêm sân chơi U21 quốc tế, U19 từ năm 2015. Nếu không có những sân chơi này, chắc chắn những đôi chân trẻ - sản phẩm của các doanh nghiệp sẽ không có đất để trui rèn từ trong nước đến quốc tế để rồi hôm nay tỏa sáng đem lại hạnh phúc vô bờ cho người dân Việt.
Cuối cùng, có mấy ai biết sự thật, sau thất bại của đội U23 tại SEA Games 2017 kéo theo sự từ chức của HLV Hữu Thắng, chính sự quyết liệt của ông chủ Tập đoàn HAGL không muốn Ban Tổng thư ký, Hội đồng HLV quốc gia tiếp tục mắc sai lầm trong việc tuyển chọn HLV, bầu Đức đã thuyết phục các quan chức VFF đồng nhiệm để trực tiếp mời HLV Park Hang Seo đồng thời mở lời hỗ trợ tài chính nếu như VFF và nhà nước gặp khó khăn về kinh phí. Quyết định của bầu Đức ở thời điểm đó ít nhiều bị lên án lạm quyền và nghi ngờ! Nhưng nếu không có bầu Đức thì bóng đá Việt Nam đã không có ông Park Hang Seo, người vô cùng quan trọng trong thành tích vượt ngoài mong đợi của bóng đá Việt tại giải U23 châu Á.
Văn Thanh (17), sản phẩm của “lò” HAGL JMG Ảnh: Anh Dũng
Không phải ngẫu nhiên mà sau trận Việt Nam thắng Qatar, ông Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước, đã nói với tôi ngay tại phòng khách của nhà ông rằng: "Bóng đá đã là một phần cuộc sống của người dân Việt. Bóng đá cũng là môn thể thao khơi gợi lòng yêu nước, tự hào dân tộc cùng sự đoàn kết mạnh mẽ nhất. Đây là thời cơ để các nhà quản lý bóng đá phải biết phát huy sức mạnh xã hội để bóng đá Việt Nam cất cánh".
Ông Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước, cũng nói với tôi khi xem trận chung kết Giải U21 quốc gia 2018 tại sân Bình Dương rằng phải đấu tranh mạnh mẽ, phải thay tất cả những ai vào VFF đặt quyền lợi cá nhân hay lợi ích nhóm lên trên sự phát triển của bóng đá Việt. Bóng đá Việt mà đẹp, mà sạch thì người dân mới đặt niềm tin vào các nhà quản lý để cùng nhau tham gia đóng góp vì sự phát triển của bóng đá nước nhà.
Cả 2 vị nguyên thủ một thời của Việt Nam đều nói với tôi rằng Chính phủ đã chỉ đạo cải tổ triệt để bộ máy lãnh đạo VFF để hướng tới VFF nhiệm kỳ tới tập hợp những người hoạt động bóng đá vô vụ lợi.
Chính những con người mới vừa có tâm, có tầm này giữ những vị trí quan trọng ở VFF sẽ đủ bản lĩnh và uy tín kêu gọi sự đóng góp của toàn xã hội. Vì đừng quên, chính đội U23 đã làm sống lại tình yêu bóng đá Việt trong lòng người hâm mộ, hay nói đúng hơn, các doanh nghiệp đã cứu rỗi bóng đá Việt.
Không biết, giờ đây, các quan chức của VFF - tổ chức được Nhà nước giao quyền quản lý, điều hành các hoạt động bóng đá ở Việt Nam - đang nghĩ gì?
Thăm dò ý kiến
Theo bạn, U23 Việt Nam sẽ giành chức vô địch hay á quân tại VCK U23 châu Á 2018?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Bình luận (0)