xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vì tương lai của vận động viên (VĐV) thể thao đỉnh cao: Báo động về tình trạng suy dinh dưỡng của VĐV

THỂ THAO.- Hiểu biết kém về dinh dưỡng cùng cung cách ăn uống tùy thích nặng nhồi nhét theo kiểu “ăn đầy đủ”, vận động viên đang suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Nghiên cứu của Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM năm 2002: 18,4% vận động viên TPHCM bị loãng xương, giảm khối lượng xương; 6,5% bị suy dinh dưỡng

Chẩn đoán loãng xương như thế nào?

Việc đo loãng xương được tiến hành với việc đo mật độ xương gót chân bằng sóng siêu âm. Theo đó, nếu T- score của mỗi người > -1 (bình thường); T- score: -1 đến -2,5 (giảm khối lượng xương); T- score: <-2,5 (loãng xương). Mỗi ca đo loãng xương có chi phí khoảng 70.000 đồng.

Có không ít những ý kiến trái ngược nhau sau chấn thương dẫn đến cái chết thương tâm của võ sĩ judo Trần Thanh Ngời, hoàn cảnh éo le của đô vật nữ Lê Thị Huệ. Tuy vậy, qua các tư liệu tra cứu dưới đây, nhiều người không khỏi giật mình. Qua đó, có thể đặt dấu hỏi: Liệu các vận động viên (VĐV) đã được chăm lo đúng mực với ý nghĩa là giữ gìn “tài sản quốc gia” như các quan chức ngành TDTT vẫn thường tuyên bố?

Vận động viên bị loãng xương...

Khi Trần Thanh Ngời, Lê Thị Huệ gặp liền 2 ca chấn thương gãy đốt sống cổ khủng khiếp, nhiều chuyên gia y tế đã tỏ ra nghi ngờ về chế độ dinh dưỡng, phương pháp huấn luyện đối với các VĐV đang tập trung chuẩn bị cho SEA Games 22. Phó giáo sư Chu Mạnh Khoa, Chủ nhiệm Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Việt Đức (một trong những bác sĩ tham gia chữa trị cho Ngời và Huệ), còn e ngại rằng chấn thương của Ngời đã bị nặng thêm do không được cấp cứu và vận chuyển cấp cứu đúng cách. Hậu quả là đốt sống cổ bị gãy nát, mảnh xương va đập vào tủy sống.

Trong khi đó, nữ đô vật Lê Thị Huệ tỏ ra may mắn hơn bởi phần tủy sống ít bị ảnh hưởng sau chấn thương. Tuy vậy, sau khi kiểm tra tình trạng loãng xương, các bác sĩ lại phát hiện nữ đô vật này bị loãng xương loại nặng (T Score là -3,2). Kết quả đo độ loãng xương ở Trần Thanh Ngời cho thấy, võ sĩ judo này có tình trạng xương tốt hơn (T Score là 2,3). Chính vì bị loãng xương nặng nên khi tập với cường độ cao, lập tức Huệ gặp tai nạn dẫn đến gãy đốt sống cổ, trật đĩa đệm. Điều này cũng phủ nhận định kiến rằng các VĐV thể thao luôn tập luyện thường xuyên (lại ở độ tuổi thanh niên) thì khó có khả năng bị loãng xương.

... và suy dinh dưỡng!

Trên thực tế, tình trạng của Huệ chỉ là một ví dụ nhỏ về cách nhìn nhận không khoa học đối với tình trạng y sinh học ở các VĐV thể thao Việt Nam. Theo kết quả nghiên cứu “Tình trạng dinh dưỡng, thói quen ăn uống và các vấn đề sức khỏe thường gặp trong tập luyện ở VĐV thể thao tại TPHCM năm 2002” của Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM do Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hưng, chủ trì, nghiên cứu ở 993 VĐV thuộc 5 tuyến đào tạo ở 35 bộ môn của Sở TDTT từ tháng 3 đến tháng 9-2002 phát hiện: Trong số 234 VĐV trên 20 tuổi được đo mật độ xương, có 12,4% VĐV bị giảm khối lượng xương và 6% bị loãng xương; trong 993 VĐV thì có 12,9% VĐV đã từng bị gãy xương, trong đó 11,4% gãy một lần và 1,5% gãy 2 lần. Kiểm tra tình trạng loãng xương, giảm khối lượng xương theo giới tính và loại hình tập luyện thì càng thấy... “đáng sợ”: 20,6% nam VĐV bị giảm mật độ xương, tỉ lệ này ở VĐV nữ là 13%.

Chưa hết, nghiên cứu này còn cho biết, 6,5% trong tổng số 993 VĐV thuộc 35 môn thể thao của TPHCM đang bị... suy dinh dưỡng. Tỉ lệ VĐV bị suy dinh dưỡng cao nhất ở lứa VĐV 9-18 tuổi (7%), trên 18 tuổi (5,9%); con số VĐV nữ bị suy dinh dưỡng cao gấp đôi so với VĐV nam: 9,4% và 4,7%. Song, điều oái oăm là tình trạng VĐV bị suy dinh dưỡng lại chiếm cao nhất ở hai tuyến đào tạo thuộc chương trình quốc gia (12,1%) và dự tuyển (7,5%). Đây là những VĐV xuất sắc đã từng và chuẩn bị đại diện cho TPHCM thi đấu quốc gia và quốc tế.

Nhồi nhét chứ không phải chế độ dinh dưỡng bền vững

Theo tiến sĩ Nguyễn Công Khẩn, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Trung ương, tình trạng giảm khối lượng xương, loãng xương và suy dinh dưỡng ở VĐV thể thao hiện nay xuất phát từ 3 nguyên do: VĐV ăn uống theo một chế độ ăn không cân đối, sử dụng quá nhiều chất đạm; do chế độ dinh dưỡng của VĐV không phải là chế độ dinh dưỡng bền vững, vì vậy khi VĐV được “nhồi nhét” phát triển quá nhanh đã mất cân đối về vi lượng chất trong cơ thể; do những nguyên nhân về gien di truyền. Tuy vậy, tiến sĩ Khẩn cho rằng, căn nguyên cơ bản nhất dẫn đến tình trạng thể lực tiêu cực ở các VĐV là do chúng ta chưa có chuẩn mực chế độ dinh dưỡng cho VĐV. Hiện Viện Dinh dưỡng Trung ương đang chuẩn bị và có thể vào cuối năm nay, sẽ phối hợp với Viện Khoa học Thể dục Thể thao nghiên cứu chuẩn dinh dưỡng cho VĐV thể thao.

Tiến sĩ Khẩn nói: “Các VĐV thể thao VN hiện nay thường được chăm sóc theo kiểu thiên về chế độ “ăn đầy đủ”. VĐV ta ăn uống rất thiếu quy chuẩn và... tùy thích. Chế độ dinh dưỡng VĐV VN hiện thiên về những chất đạm, và nhồi nhét dinh dưỡng cho thật khỏe để thi đấu. Xin đơn cử một việc đơn giản, nhiều HLV, VĐV nghĩ rằng, cứ cho VĐV ăn 8 lạng thịt bò/bữa ăn là đầy đủ đạm, đảm bảo không thiếu canxi. Đúng là những chất giàu đạm thường có chứa nhiều canxi, nhưng trong quá trình chuyển hóa năng lượng chính những chất đạm này lại là nguyên nhân đào thải đi nhiều canxi nhất. Thế nên mới xảy ra tình trạng tưởng chừng khó gặp ở VĐV như loãng xương, giảm khối lượng xương trong khi VĐV vẫn thường ăn những món giàu đạm. Đấy cũng là nguyên do khiến sức bền thể lực của các VĐV thể thao VN rất yếu”.

Yến Nhi


BS Nguyễn Thị Kim Hưng, Giám đốc trung tâm dinh dưỡng, TPHCM:

VĐV Việt Nam không biết cách... uống nước!

Nước cần thiết cho VĐV không chỉ trong tập luyện, thi đấu mà còn cần cho VĐV cả trước và sau luyện tập thi đấu. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu ở 993 VĐV các tuyến của TPHCM cho thấy, có đến 31% VĐV cho rằng không cần uống nước trước tập luyện, thi đấu; 22% VĐV không cần uống nước trong luyện tập, thi đấu; 5% không cần uống nước sau thi đấu. Nguyên nhân chính là VĐV sợ đầy bụng, óc ách, đau dạ dày... Đặc biệt, 12,3% VĐV không uống nước trong tập luyện, thi đấu vì sợ giảm khả năng thi đấu và 11,4% không uống là do không được phép của... HLV. Loại nước thường được các VĐV chọn dùng nhiều nhất là nước lọc và nước trà.

Tổng hợp 2 yếu tố thực hành uống nước cả trước và trong tập luyện, thi đấu thì chỉ có 3,6% VĐV thực hiện đúng cách uống nước. Vì vậy, nó là một “thực trạng đáng lo ngại và sẽ ảnh hưởng không ít đến sức khỏe, lượng vận động và thành tích của VĐV”.

N.Ngọc


Bộ trưởng chủ nhiệm ủy ban TDTT VN Nguyễn Danh Thái:

Dù chậm nhưng chúng tôi sẽ đề xuất chính sách bảo đảm tương lai VĐV

Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban TDTT Nguyễn Danh Thái cho rằng sẽ phải mất rất nhiều thời gian nữa mới có thể tiến hành  thay đổi về chế độ, bảo hiểm đặc thù cho VĐV. Bộ trưởng Nguyễn Danh Thái lấy ví dụ từ việc đề nghị Nhà nước công nhận danh hiệu liệt sĩ cho võ sĩ judo Trần Thanh Ngời. Theo bộ trưởng, việc truy tặng danh hiệu liệt sĩ cho Trần Thanh Ngời là để tôn vinh những cống hiến, xả thân của anh cho sự nghiệp TDTT, và võ sĩ này hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu ấy. Tuy nhiên, đứng về góc độ quản lý Nhà nước, cơ chế chính sách thì rõ ràng còn rất nhiều bất cập. Chẳng hạn, những y tá đã xả thân hy sinh khi tham gia chống dịch SARS rất xứng đáng với danh hiệu liệt sĩ, nhưng hiện vẫn chưa thể truy tặng. Vì vậy cũng phải cân nhắc cho thật công bằng khi tiến hành xin truy tặng danh hiệu liệt sĩ cho Trần Thanh Ngời.

Đối với vấn đề tạo cơ chế chính sách, bảo hiểm đặc thù cho VĐV, Bộ trưởng Nguyễn Danh Thái khẳng định, Ủy ban TDTT sẽ làm hết sức mình để có những đãi ngộ xứng đáng cho VĐV, làm cho họ yên tâm cống hiến hết khả năng khi còn sung sức. Bộ trưởng nói: “Trước mắt, do phải tập trung cho công tác chuẩn bị, tổ chức thành công SEA Games 22, vì vậy thời gian nghiên cứu, đề xuất ra một cơ chế, chính sách đặc thù cho VĐV, sau đó trình Chính phủ, bộ ngành liên quan thông qua, có thể bị lùi lại một thời gian. Tuy vậy, chắc chắn Ủy ban TDTT sẽ làm hết sức mình, giúp các VĐV yên tâm cống hiến”.

N.Quý

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo