Chiến dịch quân sự này diễn ra một ngày sau khi ít nhất 160 người thiệt mạng và nhiều người bị thương trong các cuộc đụng độ tại tỉnh trên.
Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki quả quyết sẽ không lùi bước cho đến khi các nhóm khủng bố bị đẩy khỏi Anbar. Trung tướng Rasheed Fleih, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Anbar, tuyên bố quân đội sẽ mất 2-3 ngày để tái chiếm 2 thành phố trên.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 5-1 nhấn mạnh Washington rất lo ngại về sự trỗi dậy của Al-Qaeda, đồng thời cam đoan sẽ trợ giúp các lực lượng Iraq trong cuộc chiến này. Nhiều người lo ngại sự lấn lướt của các phần tử nổi dậy thân Al-Qaeda ở Iraq sẽ làm xấu đi tình hình trong khu vực.
Không chỉ ở Iraq, ISIL còn đang tăng cường hoạt động ở Syria. ISIL hiện là một trong những nhóm mạnh nhất trong hàng ngũ quân nổi dậy ở Syria và họ đã áp đặt luật Hồi giáo nghiêm ngặt tại những khu vực chiếm được. Ngoài ra, ISIL còn bắt cóc và sát hại tất cả những ai chỉ trích luật lệ của họ. Tổ chức này đang nhắm đến mục tiêu thành lập một nhà nước Hồi giáo do người Sunni chi phối ở khu vực biên giới giữa Iraq và Syria.
Chuyên gia về Trung Đông Guido Steinberg nhận định Al-Qaeda đã lấy lại sức mạnh ở Iraq và Syria, đẩy tình trạng bạo lực ở Iraq đi theo chiều hướng tiêu cực. Cho dù bị trấn áp, Al-Qaeda ở Iraq có thể dễ dàng chạy sang Syria ẩn náu.
Do đó, cuộc xung đột ở Iraq và cuộc nội chiến ở Syria đang tác động qua lại, thể hiện qua việc binh sĩ Iraq chiến đấu trong hàng ngũ quân chính phủ Syria, còn các phần tử quá khích Iraq lại giúp lực lượng nổi dậy. Với tình hình phức tạp như thế, cả Iraq và Syria dự kiến sẽ xuất hiện những nhóm chiến binh khác nhau mà không ai có thể kiểm soát một cách hiệu quả và lâu dài.
Bình luận (0)