Dù tân thủ tướng Ấn Độ chưa hé lộ gì về chính sách đối ngoại nhưng không khó để nhận ra xử lý quan hệ với Trung Quốc sẽ là một trong những thách thức hàng đầu. Hai nước đang chứng kiến quan hệ kinh tế phát triển nhưng vẫn chưa giải quyết được vụ tranh chấp biên giới kéo dài nhiều thập kỷ qua.
Chưa hết, ông Modi còn phải dè chừng sự bành trướng của Trung Quốc ở Nam Á, thông qua việc tăng cường hiện diện ở Ấn Độ Dương và tham gia xây dựng một loạt cảng biển trải dài từ Pakistan đến Bangladesh. Một điểm nóng khác trong quan hệ Trung - Ấn là biển Đông, nơi New Delhi có không ít lợi ích thương mại.
Khi đi tranh cử, ông Modi không ít lần kêu gọi Trung Quốc từ bỏ tư tưởng bành trướng nếu muốn sống yên ổn cạnh Ấn Độ. Ông tuyên bố: “Trung Quốc phải chấp nhận quan niệm cùng nhau hợp tác và phát triển vì sự tiến bộ và giàu mạnh của hai nước”. Một nhà chiến lược thuộc Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) của ông Modi nhận định: “Người Trung Quốc sẽ phải hiểu rằng tân thủ tướng Ấn Độ không phải là người yếu đuối và họ cần tránh làm những điều mạo hiểm”.
Dù vậy, một số nhà phân tích cho rằng nỗ lực khôi phục kinh tế có thể khiến ông Modi tạm gạt sang một bên bất đồng lãnh thổ để “ve vãn” các nhà đầu tư Trung Quốc, điều ông từng làm khi còn là thủ hiến bang Gujarat từ năm 2001.
Ở chiều ngược lại, như tạp chí Forbes chỉ ra, Bắc Kinh có nguy cơ trở thành “kẻ thua cuộc lớn” khác, bên cạnh Đảng Quốc đại, trong cuộc bầu cử vừa qua ở Ấn Độ. Ông Modi lên nắm quyền có thể thu hút nhiều hơn dòng tiền đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Ấn Độ, thay vì Trung Quốc, trong những năm tới. Khi còn lãnh đạo bang Gujarat, Modi đã thực thi các chính sách kinh tế tự do và không có gì ngăn ông mở rộng ra quy mô toàn quốc.
Khôi phục quan hệ với Mỹ, vốn bị tổn hại bởi những tranh cãi ngoại giao và thương mại gần đây, cũng khiến ông Modi bận tâm. Modi từng bị từ chối cấp visa vào Mỹ năm 2005 vì Washington cho rằng ông bật đèn xanh cho vụ bạo loạn ở bang Gujarat, khiến hơn 1.000 người thiệt mạng 3 năm trước đó.
Dù vậy, việc ông Modi lên làm thủ tướng Ấn Độ là cơ hội tốt để hai bên xóa hiềm khích cũ và đưa quan hệ song phương trở lại đúng quỹ đạo. Bằng chứng là ngay sau khi ông Modi thắng cử, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố sẵn sàng làm việc với chính phủ mới của Ấn Độ để thúc đẩy sự thịnh vượng và tăng cường an ninh chung. Washington và New Delhi đều hiểu rằng giờ là lúc họ cần đến nhau để kiềm chế sự trỗi dậy của Bắc Kinh ở châu Á - Thái Bình Dương.
Bình luận (0)