Hãng tin AP hôm 7-6 cho biết cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã có được 2.383 đại biểu - con số cần thiết để có thể được đề cử làm ứng viên chính thức đại diện Đảng Dân chủ ra tranh cử tổng thống Mỹ.
Còn phải chờ
Ngay khi công bố “con số kỳ diệu” trên, hãng AP đã khẳng định bà Clinton trở thành phụ nữ đầu tiên đại diện một chính đảng lớn trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Tuy nhiên, nhóm tranh cử của Bernie Sanders - Thượng nghị sĩ bang Vermont, đối thủ còn lại của bà Clinton trong nội bộ Đảng Dân chủ - chỉ trích giới truyền thông đã quá vội vàng bởi số phận của cựu ngoại trưởng vẫn còn phụ thuộc vào các siêu đại biểu.
Chính AP sau đó cũng thừa nhận sự hấp tấp của mình. Theo tính toán của AP, nữ chính trị gia 68 tuổi có 1.812 đại biểu nhờ chiến thắng trong các cuộc bầu cử sơ bộ cho đến giờ và 571 siêu đại biểu hứa bỏ phiếu cho bà.
Nhận được tin vui này khi đang vận động tranh cử tại TP Long Beach, bang California - 1 trong 6 bang tiến hành bầu cử sơ bộ ngày 7-6 (giờ địa phương) và là bang có nhiều đại biểu nhất (475) - bà Clinton vẫn tỏ ra cẩn trọng. “Chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa lịch sử, một thời khắc chưa từng có tiền lệ song vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Chúng ta có cuộc bỏ phiếu ở 6 bang và sẽ chiến đấu mạnh mẽ để giành từng lá phiếu một, nhất là tại California” - bà Clinton nói trước đám đông ủng hộ.
Trong khi đó, giới chức Nhà Trắng hôm 6-6 cho biết Tổng thống Mỹ Barrack Obama có thể chính thức tuyên bố ủng hộ nữ chính khách từng là đối thủ của mình trong cuộc đua năm 2008. Tuyên bố có thể được đưa ra sau các cuộc bầu cử sơ bộ ngày 7-6. Sự ủng hộ của vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ hẳn sẽ là động lực lớn cho bà Clinton. Cũng giống như ông Obama cách đây 8 năm, bà Clinton cán mốc “con số kỳ diệu” với sự ủng hộ của hàng trăm siêu đại biểu.
Chiến đấu đến cùng
Theo quy định của Đảng Dân chủ, tổng số 714 siêu đại biểu được phép ủng hộ bất cứ ứng viên nào chứ không phải chỉ 2 người còn lại trên đường đua hiện nay và có thể thay đổi quyết định bất cứ lúc nào trước khi kết thúc đại hội đảng vào tháng 7. Do đó, ông Sanders - hiện nắm 1.521 đại biểu từ kết quả bầu cử sơ bộ tại các bang và sự ủng hộ của 48 siêu đại biểu - vẫn tin tưởng vào cơ may lật ngược tình thế vào phút chót.
Phát biểu trước người ủng hộ ở TP San Francisco hôm 6-6, ông Sanders không nói gì về thông tin của AP mà cam kết sẽ chiến thắng ở bang California để duy trì hy vọng tại đại hội đảng sắp tới.
Không may cho ông Sanders, khả năng 571 siêu đại biểu đã cam kết ủng hộ bà Clinton đổi ý là rất thấp. Kết quả khảo sát của AP đối với toàn bộ 714 siêu đại biểu trong 7 tháng qua cho thấy chỉ 95 người tỏ ra không kiên định. Ngoài ra, theo tờ The New York Times, bà Clinton có quan hệ tốt với rất nhiều siêu đại biểu trong những năm qua. Ngược lại, ông Sanders lại vật lộn khó khăn để có được sự ủng hộ khiêm tốn của các siêu đại biểu.
Tuy nhiên, theo bình luận của BBC, thông tin trên của AP thực ra có thể gây rắc rối với bà Clinton bởi nó làm “mất nhiệt” các cuộc bỏ phiếu sơ bộ ngày 7-6, đồng thời tạo ấn tượng bà Clinton chỉ thắng nhờ các siêu đại biểu chứ không phải những cử tri thông thường. Bên cạnh đó, mong muốn trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ của bà vẫn còn bị đe dọa bởi vụ bê bối sử dụng e-mail cá nhân cho công việc.
Bình luận (0)