Với phán quyết cuộc bầu cử ngày 2-2 có thể trì hoãn do bất ổn chính trị mà Tòa án Hiến pháp Thái Lan đưa ra hôm 24-1, ông Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Viện Nghiên cứu An ninh và quốc tế tại Trường ĐH Chulalongkorn ở Bangkok, nhận định: “Bóng đã được đẩy về phần sân của bà Yingluck và áp lực buộc phải trì hoãn bầu cử sẽ đè nặng lên vai bà”.
Nhiều người cho rằng cả Tòa án Hiến pháp lẫn Ủy ban Bầu cử (EC) đều đang nghiêng về phe đối lập. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng bà Yingluck sẽ thúc đẩy bầu cử đến cùng. “Bà ấy cần thiết lập tính pháp lý cho chính phủ của mình bằng một cuộc bầu cử nhanh chóng” - ông Pavin Chachavalpongpun, giáo sư tại Trường ĐH Kyoto (Nhật Bản), nhìn nhận.
Thông tin từ chính phủ tạm quyền Thái Lan cho hay bà Yingluck sẽ gặp EC vào ngày 28-1 để thảo luận việc hoãn bầu cử. Chủ tịch Đảng Puea Thai, ông Charupong Ruangsuwan, cho biết hiến pháp hiện hành cho phép hoãn cuộc bầu cử đột xuất trong vòng 45-60 ngày. Như vậy, một cuộc bầu cử mới phải được tổ chức trước ngày 6-5. Trong khi đó, EC muốn hoãn 6 tháng để chuẩn bị chu đáo hơn.
Ngay lập tức, trên trang Facebook cá nhân hôm 26-1, thủ lĩnh Đảng Dân chủ đối lập Abhisit Vejjajiva cảnh báo bà Yingluck và nội các của bà sẽ bị luận tội nếu làm ngơ phán quyết của Tòa án Hiến pháp.
Ngược lại, một số đảng phái nhỏ lại dọa kiện cả bà Yingluck lẫn EC nếu hoãn bầu cử. Chủ tịch Đảng Prachathipataimai, ông Surathin Picharn, cùng đại diện một số đảng khác tuyên bố họ đã chi không ít tiền để tranh cử nên hoãn bầu cử đồng nghĩa với thiệt hại.
Người biểu tình phong tỏa lối vào một điểm bỏ phiếu sớm ở trung tâm Bangkok ngày 26-1
Ảnh: REUTERS
Khoảng 49 triệu trong tổng số 64 triệu người dân Thái Lan đủ tư cách đi bầu cử và 2,16 triệu người đã đăng ký bỏ phiếu sớm vào ngày 26-1. Hoạt động bỏ phiếu sớm diễn ra tại 66/76 tỉnh của Thái Lan, tất cả ở miền Bắc, Đông Bắc và miền Trung.
Trong khi đó, thủ đô Bangkok và các tỉnh miền Nam khá hỗn loạn với ít nhất 39/50 điểm bỏ phiếu tại Bangkok phải hoãn lại do bị người biểu tình chống chính phủ dùng dây xích khóa cửa lại khiến các quan chức phụ trách bỏ phiếu lẫn cử tri không vào được bên trong.
Thương vong cũng xảy ra tại Bangkok. Ông Suthin Taratin, lãnh đạo của nhóm Quân đội Nhân dân lật đổ chế độ Thaksin, đã thiệt mạng khi dẫn đoàn biểu tình chống chính phủ đến điểm bỏ phiếu sớm đặt tại đền Sri-iam trên đường Bang-na Trat. Ông bị bắn trúng đầu trong lúc đứng phát biểu trên xe tải.
Ngoài ra, khoảng 800 người biểu tình chống chính phủ do Ủy ban Cải cách Dân chủ nhân dân (PDRC) dẫn đầu suýt nữa đụng độ với 200 người thuộc phe “Áo đỏ” có mặt từ trước gần một điểm bỏ phiếu ở quận Muang. Hai bên chĩa loa vào nhau khẩu chiến. PDRC đã lệnh cho 50 bảo vệ lên tuyến đầu nhưng vừa may có 150 cảnh sát đến xoa dịu.
Dù vậy, ông Surapong Tovichakchaikul, phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng tạm quyền, tuyên bố chính phủ sẽ không hoãn cuộc bầu cử ngày 2-2 nếu 90% điểm bỏ phiếu sớm hoàn thành nhiệm vụ. Theo ông, Trung tâm Duy trì Hòa bình và Trật tự (CMPO) sẽ ra lệnh bắt những ai vi phạm Sắc lệnh Khẩn cấp và Luật Bầu cử bằng cách bao vây các điểm bỏ phiếu vào ngày 27-1.
Bình luận (0)