Sau nhiều tháng làm việc tại nhà do tác động của dịch Covid-19, ngày càng có nhiều người trở lại nơi làm việc và xu hướng này khiến sự quan tâm đổ dồn vào chuyện tiêm vắc-xin của họ.
Nhiều công việc và lĩnh vực đang đòi hỏi người đi làm phải được tiêm vắc-xin đầy đủ như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, công nghệ, khách sạn, nhà hàng, du lịch, lữ hành, tài chính… Nói cách khác, việc tiêm chủng đầy đủ trở thành một điều kiện để được tiếp tục đi làm.
Ở chiều ngược lại, những người chưa được tiêm chủng có nguy cơ gặp khó khăn khi đi làm trở lại hoặc tìm việc làm trong một số lĩnh vực nhất định.
Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden tuần qua phác thảo kế hoạch thúc đẩy khoảng 80 triệu người trưởng thành đi tiêm chủng vắc-xin Covid-19. Đáng chú ý, ông chủ Nhà Trắng thúc ép công ty tư nhân cho lực lượng lao động đi tiêm vắc-xin, cũng như bắt buộc nhân viên liên bang, nhân viên của các nhà thầu làm ăn với chính phủ liên bang và nhân viên chăm sóc sức khỏe phải tiêm chủng.
Ngoài ra, Tổng thống Mỹ còn yêu cầu Bộ Lao động ban hành quy định yêu cầu doanh nghiệp có 100 nhân viên trở lên phải bảo đảm những người này được tiêm chủng hoặc xét nghiệm mỗi tuần một lần, nếu không có thể bị phạt nặng.
Nhân viên của hãng sản xuất phụ tùng xe hơi Lear Corporation (Mỹ) được tiêm vắc-xin Covid-19 tại một nhà máy ở TP Ciudad Juarez - Mexico. Ảnh: REUTERS
Các chủ doanh nghiệp nhìn chung ủng hộ động thái trên. Một số tên tuổi lớn đã yêu cầu mọi nhân viên ở Mỹ tiêm chủng, như United Airlines, Facebook, Cisco…Nhiều doanh nghiệp khác đòi hỏi nhân viên mới tuyển dụng phải tiêm vắc-xin.
Chưa hết, theo đài CNBC, tỉ lệ thông báo tuyển dụng có yêu cầu tiêm chủng đã tăng vọt kể từ khi Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép đầy đủ cho vắc-xin Pfizer-BioNTech hôm 23-8.
Nhiều công ty đang đối mặt thách thức làm sao duy trì đà phục hồi trong bối cảnh số ca nhiễm biến thể Delta gia tăng. Họ chắc chắn sẽ chịu nhiều thiệt hại nếu Covid-19 làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của mình.
Họ cũng có nguy cơ đối mặt các vụ kiện nếu nhân viên hoặc khách hàng mắc bệnh. Vì thế, một số chuyên gia cho rằng yêu cầu tiêm chủng rõ ràng là một phương thức để doanh nghiệp bảo đảm nhân viên và khách hàng an toàn hơn, cũng như tiếp tục hoạt động kinh doanh.
Mỹ không phải là nước duy nhất siết chặt các quy định nói trên. Một số nước ở châu Âu đã công bố bước đi tương tự đối với nhân viên trong các lĩnh vực công cộng. Riêng tại Pháp, khoảng 2 triệu người làm việc tại nhà hàng và trong các ngành dịch vụ khác phải có thẻ xanh Covid-19 nếu muốn đi làm kể từ cuối tháng 8. Trước đó, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho biết nhân viên y tế sẽ không được đi làm và trả lương nếu không tiêm vắc-xin trước ngày 15-9.
Trong khi đó, nước Ý đang tiến gần hơn với việc yêu cầu mọi nhân viên trong lĩnh vực công và tư mang theo thẻ xanh Covid-19 (chứa thông tin về tiêm chủng, xét nghiệm âm tính hoặc đã khỏi bệnh) khi nội các Thủ tướng Mario Draghi dự kiến họp bàn về vấn đề này trong ngày 16-9.
Trước đó, Bộ trưởng Phát triển kinh tế Ý Giancarlo Giorgetti cho rằng nên áp dụng thẻ xanh Covid-19 đối với mọi người lao động - theo hãng tin ANSA. Người dân tại Ý hiện phải sử dụng thẻ này nếu muốn ăn uống bên trong nhà hàng, tham gia các hoạt động văn hóa, giải trí và làm một số công việc nhất định, như chăm sóc sức khỏe, giảng dạy tại trường học…
Bình luận (0)