xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bẻ gãy “3 mặt trận” của Trung Quốc

MỸ NHUNG

Nhiều nước có lợi ích về thương mại và tự do hàng hải trên biển Đông nên Việt Nam cần tận dụng điều này để quốc tế hóa xung đột

Phó đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Vương Dân đã gửi một “bản tuyên cáo lập trường” lên Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon vào ngày 9-6 về giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) và còn yêu cầu ông phân phát cho 193 thành viên của đại hội đồng.

Vừa ăn cướp vừa la làng

Trong báo cáo, Bắc Kinh trắng trợn vu khống Việt Nam xâm phạm chủ quyền và can thiệp “trái phép” hoạt động của giàn khoan bằng cách “điều động tàu có vũ trang” và cho tàu “đâm vào tàu Trung Quốc” cũng như điều người nhái, thả chướng ngại vật...

Theo trang Rappler (Philippines), diễn biến này rất bất thường bởi Trung Quốc luôn bác bỏ sự dính líu của bên thứ ba và muốn giải quyết song phương các tranh chấp ở biển Đông.

 

Phóng viên trên tàu Cảnh sát biển Việt Nam tiến đến khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào cuối tháng 5-2014 Ảnh: CNN

Phóng viên trên tàu Cảnh sát biển Việt Nam tiến đến khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981

trái phép vào cuối tháng 5-2014, Ảnh: CNN

 

Đây có thể là một biểu hiện trong chiến lược “chiến tranh 3 mặt trận” - gồm tấn công tâm lý, truyền thông và pháp lý - mà ông Hồ Thụy Chu, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An ninh thuộc Trường ĐH Chính trị Quốc lập (Đài Bắc), phân tích trên tờ Want Daily (Đài Loan) hôm 9-6. Theo ông, chính sách này vốn được Trung Quốc áp dụng cho eo biển Đài Loan nhưng nay chuyển sang biển Đông.

Trên mặt trận pháp lý, Trung Quốc đang bị Philippines kiện ra tòa án quốc tế. Tuy tuyên bố không hầu tòa nhưng theo ông Hồ Thụy Chu, Bắc Kinh vẫn phải chứng thực các yêu sách chủ quyền trên biển Đông thông qua các kênh không chính thức. Đây là điều bất khả thi với Trung Quốc bởi ngày càng có nhiều quốc gia, tổ chức và học giả quốc tế phản bác “đường lưỡi bò” tham lam “liếm” gần trọn biển Đông.

Ngày 7-6 vừa qua, thẩm phán Antonio T.Carpio thuộc Tòa án Tối cao Philippines đã dùng chính những bản đồ của Trung Quốc để khẳng định: “Tất cả bản đồ cổ này cho thấy phần lãnh thổ cực nam của Trung Quốc luôn luôn chỉ có đảo Hải Nam”.

Theo ông Carpio, Bắc Kinh tuyên bố bãi ngầm James (gần Malaysia) là lãnh thổ cực nam của nước này nhưng chắc chắn chưa có người Trung Quốc nào từng đến đó.

Phản tác dụng

Đuối lý, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh cuộc chiến tâm lý nhằm can thiệp vào khả năng ra quyết định của đối phương - theo phân tích của một số chuyên gia trên trang Asia Times. Cụ thể, Trung Quốc có thể ban hành các lệnh cấm thương mại đối với Việt Nam, tương tự cấm xuất khẩu đất hiếm cho Nhật Bản năm 2010 và cấm nhập khẩu chuối từ Philippines vào năm ngoái.

Tuy nhiên, làm vậy cũng tức là Trung Quốc đối mặt với nguy cơ tự đem hơn 20 năm ngoại giao nhằm xây dựng mối liên kết kinh tế với Đông Nam Á đổ sông đổ biển.

Theo tác giả Việt Long viết trên trang Vietnam+, kinh tế Trung Quốc cũng đang chịu những ảnh hưởng nhất định khi chỉ số Hang Seng China Enterprises’ sụt giảm 13% và trở thành chỉ số giảm mạnh nhất thế giới trong tháng 5; đồng nhân dân tệ cũng giảm 2,8% so với USD và chạm mức thấp nhất kể từ tháng 10-2012.

Tệ hại hơn, trên mặt trận truyền thông, bất chấp những nỗ lực vào vai nạn nhân, hình ảnh Trung Quốc trên mặt báo quốc tế dần rõ nét là một cường quốc hiếu chiến, chủ động gây hấn với láng giềng.

Trao đổi với TTXVN, TS Edward Miller - giảng viên Trường ĐH Dartmouth (Mỹ) - cho rằng lợi thế của Việt Nam hiện nay là sự ủng hộ của công luận quốc tế. “Nhiều người nhận ra Trung Quốc đang theo đuổi mô hình bành trướng trên biển. Điều này khiến cộng đồng quốc tế nghi ngờ Trung Quốc” - ông Miller nói.

Theo ông, biển Đông là nơi mà nhiều nước có lợi ích về thương mại và tự do hàng hải nên Việt Nam cần tận dụng điều này để quốc tế hóa xung đột, gia tăng sức ép quốc tế lên Trung Quốc.

 

Chuẩn bị của Mỹ

Trang web Washington Free Beacon hồi tháng 3 vừa qua đã dẫn báo cáo “Trung Quốc: Chiến tranh 3 mặt trận” của Lầu Năm Góc, trong đó nêu rõ mục đích của chiến lược này là đẩy Mỹ ra khỏi châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Trung Quốc càng hung hăng thì càng bị cô lập và tạo điều kiện cho Mỹ “xoay trục”. Bằng chứng là không chỉ đồng minh mà cả các nước trong khu vực đang ủng hộ Mỹ hiện diện nhiều hơn.

Báo cáo nêu trên cũng đề ra các biện pháp đối phó, bao gồm: tăng cường hoạt động pháp lý và ủng hộ các diễn đàn chính trị khu vực; tiếp tục điều máy bay và tàu chiến giám sát, thậm chí tăng cường tập trận hải quân và “bảo đảm tự do hàng hải” trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc lẫn các vùng biển có tranh chấp; đẩy mạnh các chiến dịch ngoại giao ở châu Á như mở rộng đầu tư, phát triển và trao đổi quân sự.

 

Bắc Kinh phải rút giàn khoan!

Trong cuộc họp báo quốc tế qua điện thoại chiều 10-6, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách châu Á - Thái Bình Dương Daniel Russel tuyên bố: “Trung Quốc phải rút giàn khoan! Chúng tôi không nói ai đúng ai sai nhưng việc rút giàn khoan sẽ tạo cơ hội cho tiến trình ngoại giao nhằm hạ nhiệt căng thẳng trên biển Đông”.

Chủ trì cuộc họp báo từ Rangoon - Myanmar với phần lớn các câu hỏi xoay quanh căng thẳng trên biển Đông sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép và không ngừng gây hấn ở vùng biển Việt Nam, ông Russel khẳng định rất thất vọng vì hành động của Bắc Kinh và nhấn mạnh đó là việc không nên xảy ra.

Mặc dù khẳng định Washington không nghiêng về Hà Nội hay Bắc Kinh trong vấn đề biển Đông nhưng ông Russel thừa nhận Việt Nam đã khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa từ lâu. Ngoài ra, Việt Nam đã và đang thăm dò và khai thác dầu khí trong khu vực được công nhận là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hợp pháp của mình.

Trước câu hỏi về mức độ can thiệp của Mỹ theo tuyên bố của Tổng thống Barack Obama hồi cuối tháng 4 rằng căng thẳng trên biển Đông có thể buộc quân đội Mỹ vào cuộc, ông Russel nói tuyên bố này không đi vào các trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh một lần nữa những cam kết mà ông chủ Nhà Trắng đã lặp lại nhiều lần với các đồng minh trong chuyến công du 4 nước châu Á vừa qua.

Nhắc đến việc Tòa Trọng tài Thường trực (trụ sở tại The Hague - Hà Lan) yêu cầu Trung Quốc trả lời đơn kiện của Philippines liên quan đến tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông vào cuối năm 2014, ông Russel nói: “Đây là cơ hội quan trọng để Trung Quốc giải tỏa những mập mờ xung quanh đường 9 đoạn của mình”.

Cuộc họp báo có sự tham gia của nhiều phóng viên khu vực, trong đó có Việt Nam, Singapore...

Cùng ngày, trong khuôn khổ các cuộc họp SOM ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác được tổ chức tại Myanmar đã diễn ra cuộc họp Đối thoại ASEAN - Mỹ lần thứ 27.

Đề cập tình hình biển Đông, phía Mỹ cho biết nước này phản đối các hành động đơn phương, sử dụng sức mạnh để thay đổi nguyên trạng, áp đặt yêu sách chủ quyền lãnh thổ; đồng thời ủng hộ mạnh mẽ các nguyên tắc về việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Phía Mỹ cho rằng ASEAN và Trung Quốc cần phải đàm phán thực chất để đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) mang tính ràng buộc.

Trưởng SOM Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh, nêu rõ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép và đưa nhiều tàu hộ tống bảo vệ, xâm phạm sâu trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam, liên tục có các hành động gây hấn, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, DOC.

Việt Nam cực lực phản đối các hành động xâm phạm nêu trên, yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và vùng biển của mình song kiên trì đối thoại và sử dụng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Thu Hằng - Bích Diệp

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo