Một trong những lý do cho tình trạng nói trên là Seoul tỏ ra bất lực khi kêu gọi Bình Nhưỡng giảm hành động khiêu khích. Trong tháng 9, Triều Tiên đã thử quả bom nhiệt hạch đầu tiên, bắn tên lửa đạn đạo tầm xa qua đảo Hokkaido - Nhật Bản và đe dọa nổ bom H ở Thái Bình Dương.
Đây là bước leo thang chưa từng thấy nhưng Hàn Quốc không thể làm gì để ngăn chặn. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in liên tục chìa cành ô liu về phía Triều Tiên - mời họ tham gia Thế vận hội mùa đông 2018 ở Pyeongchang, đề nghị đàm phán quân sự, thu xếp các cuộc đoàn tụ gia đình và cung cấp hỗ trợ y tế - nhưng đều bị Bình Nhưỡng khước từ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại cuộc họp báo ở Seoul hôm 7-11 Ảnh: REUTERS
Một lý do khác là 2 nhà lãnh đạo Hàn - Mỹ có những cách tiếp cận trái ngược đối với vấn đề này. Vì điều này, Washington không còn tham vấn với Seoul nhiều như trước.
Trong lúc ông Moon tìm cách đối thoại với Bình Nhưỡng thì Tổng thống Mỹ Donald Trump lại có lập trường cứng rắn hơn, khiến ông chủ Nhà Trắng trở thành đối tác tự nhiên của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ngay sau vụ thử hạt nhân mới đây nhất của Bình Nhưỡng, ông Trump điện đàm với ông Abe trước khi gọi cho ông Moon.
Gần đây, ông Trump mô tả cách tiếp cận của ông Moon đối với Triều Tiên là "sự dỗ dành". Trong khi đó, Tokyo còn chất vấn việc nhà lãnh đạo Hàn Quốc quyết định viện trợ nhân đạo 8 triệu USD cho Bình Nhưỡng sau vụ thử hạt nhân nói trên.
Những gì xảy ra có thể đẩy chiến lược của Hàn Quốc đến gần hơn lập trường của Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, ít ra cho đến lúc này, Seoul không kết bạn được với ai - hướng tiếp cận của Hàn Quốc tỏ ra quá "hiền" so với Mỹ và Nhật nhưng lại quá "cứng rắn" so với Trung Quốc hoặc Nga.
Bình luận (0)