Thực tế, chương trình hạt nhân của Triều Tiên trở thành ưu tiên hàng đầu của chính quyền ông Donald Trump bởi nó đặt ra mối đe dọa rõ ràng đối với lãnh thổ Mỹ.
Ông Gregory Poling, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), cho biết chính quyền tổng thống Mỹ đang thiếu nhân lực chuyên môn về châu Á nên không có gì lạ khi Washington gần như chỉ tập trung vào Triều Tiên. Hơn nữa, theo ông Poling, những hình ảnh gây sốc về việc Trung Quốc xây dựng đảo trái phép ở biển Đông đã trở nên bình thường sau 3 năm diễn ra.
Theo đài CNN, các chuyên gia nhận định đây là chiến lược kiên nhẫn của Bắc Kinh ở biển Đông. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang tham gia cuộc chơi dài hơi, chờ đợi đối thủ mắc sai lầm hoặc mất hứng thú trong khi tiếp tục sử dụng đòn bẩy kinh tế để gây ảnh hưởng đến các quốc gia nhỏ hơn có tranh chấp với Bắc Kinh ở biển Đông.
Hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào năm 2017 Ảnh: CSIS/AMTI
Ông Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề biển và Luật Biển thuộc Trường ĐH Philippines, nói với đài Sputnik rằng đây là sự tiếp nối những gì mà Trung Quốc đã thực hiện trong vài năm qua. Những khu vực này từng chỉ có một vài tòa nhà nhưng giờ đã được mở rộng kích thước lên hàng trăm lần. Các loại vũ khí, đường băng và những cơ sở khác từ chỗ không có gì nay đã xuất hiện trên các đảo nhân tạo phi pháp.
Từ đầu năm 2017 đến nay, Trung Quốc đã xây dựng các cơ sở, bao gồm kho chứa dưới lòng đất, tòa nhà điều hành, hệ thống radar lớn có tổng diện tích 290.000 m2 trên các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Đây là số liệu trích từ báo cáo đăng trên trang web của Cơ quan Dữ liệu và Thông tin hàng hải quốc gia Trung Quốc.
Báo cáo của AMTI cũng nêu rõ Trung Quốc đã lắp đặt trên các đảo nhân tạo nhiều khí tài không quân, tên lửa đất đối không, vũ khí phòng thủ..., đồng thời triển khai thêm binh lính, tuần tra và tập trận trên biển Đông nhiều hơn.
Ông Michael Fuchs, thành viên cao cấp của Trung tâm Tiến bộ Mỹ, cho rằng chiến lược biển Đông của Trung Quốc khá thành công trong năm 2017 nhưng điều đó có thể thay đổi trong năm tới. Nếu Bắc Kinh tiếp tục những hành động đơn phương sai trái, Washington và các đồng minh sẽ không ngồi yên, nhất là khi Mỹ cảm thấy tự do hàng hải trong khu vực đang bị đe dọa thực sự.
Theo ông Euan Graham, Giám đốc về an ninh quốc tế của Viện Lowy (Úc), Trung Quốc lấn lướt không có nghĩa là họ đã thắng. "Không nên đánh giá thấp sức mạnh Mỹ, bao gồm nền kinh tế đang hồi sinh" - ông Graham cảnh báo.
Nhiều nhà phân tích dự đoán ngay cả khi Washington tiếp tục giữ thái độ như hiện nay, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản - các đồng minh của Mỹ - sẽ can thiệp nhiều hơn vào biển Đông để bảo đảm các tuyến thương mại hàng hải tự do.
Bình luận (0)