Chuyến đi dài ngày sắp tới của Bộ trưởng Carter sẽ không bao gồm điểm đến là Trung Quốc dù mục đích của ông nhằm thảo luận về ảnh hưởng của Bắc Kinh trên toàn Đông Nam Á, dĩ nhiên không thể vấn đề biển Đông.
Trong một tuyên bố ngày 8-4, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Peter Cook cho biết ông Carter sẽ đến thăm Ấn Độ, Philippines trước khi dừng chân tại Trung Đông, bao gồm Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Ả Rập Saudi.
Lầu Năm Góc ngày càng tăng cường quan hệ với Ấn Độ và Philippines kể từ lúc Trung Quốc mở rộng khả năng quân sự, đồng thời triển khai tên lửa đất đối không và radar tiên tiến ra đảo nhân tạo ở biển Đông.
Tháng 11 năm ngoái, ông chấp nhận lời mời thăm Trung Quốc sau khi gặp gỡ người đồng cấp Thường Vạn Toàn trong một cuộc họp tại Malaysia.
Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết vào thời điểm đó, hai bộ trưởng đồng ý gặp nhau vào mùa xuân này. Tuy nhiên, lịch trình điểm đến của ông Carter do Lầu Năm Góc công bố hôm 8-4 không có Trung Quốc.
Thư ký Cook tiết lộ ông Carter vẫn hy vọng đến Bắc Kinh vào cuối năm nay vì “lịch trình phức tạp không cho phép ông ghé Trung Quốc trong chuyến thăm này”. Các quan chức Mỹ nói rằng họ đã thông báo cho chính phủ Trung Quốc từ cách đây vài tuần.
Phát biểu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York hôm 8-4, ông Carter một lần nữa nhấn mạnh khu vực châu Á – Thái Bình Dương là khu vực trọng điểm đối với tương lai của Mỹ. Dù tồn tại những bất đồng về một số vấn đề nhưng Washington và Bắc Kinh vẫn tích cực làm việc cùng nhau thông qua khu vực này.
Cùng ngày, trong cuộc họp báo tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ, phát ngôn viên Mark Toner đã lên tiếng về đề nghị của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị rằng không nên đưa các tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông vào chương trình nghị sự tại Hội nghị thượng đỉnh G7 (sắp diễn ra vào tháng 5).
Ông Toner cho rằng Mỹ muốn thảo luận cùng các đối tác châu Á cũng như các đồng minh chủ chốt về tất cả vấn đề - bao gồm an ninh châu Á – vào bất cứ thời điểm nào. Ông nhấn mạnh nếu vấn đề đó quan trọng đối với sự ổn định của khu vực thì cần phải được mang ra trao đổi.
Ngoài ra, ông Toner cho biết Washington không muốn nhìn thấy bất kỳ nỗ lực gia tăng hoặc leo thang căng thẳng nào ở biển Đông. “Chúng tôi tin tưởng vào tự do hàng hải” – ông khẳng định.
Dù không phải là thành viên G7 nhưng Trung Quốc vẫn phản đối các nước nhóm này thảo luận về biển Đông. Tương tự, với tư cách chủ nhà, Bắc Kinh kiên quyết không đưa biển Đông vào chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay.
Bình luận (0)