Palestine thực hiện bước đi trên một ngày sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) bác dự thảo nghị quyết đòi Israel chấm dứt chiếm đóng trái phép những lãnh thổ của người Palestine vào cuối năm 2017. Kết quả bỏ phiếu này được xem là thắng lợi ngoại giao của Israel nhưng người Palestine cho thấy họ không dễ dàng lùi bước.
Ngày 2-1, Đại sứ Palestine tại LHQ Riyad Mansour chính thức đề nghị ICC kết nạp Palestine. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon sẽ xem xét đơn và thông báo với các nước thành viên ICC trong vòng 60 ngày.
Người Palestine hy vọng tham gia ICC sẽ mở đường cho họ khởi kiện các quan chức, binh sĩ Israel bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh. Có thông tin Palestine đã yêu cầu ICC điều tra Israel phạm tội ác chiến tranh trong cuộc xung đột 50 ngày ở Dải Gaza vào mùa hè năm ngoái.
Động thái này không chỉ gây sức ép lên Tel Aviv mà còn buộc Washington tăng áp lực buộc Israel nhượng bộ nhiều hơn trong quá trình hòa đàm và ngừng xây dựng các khu định cư trên những vùng đất Palestine bị chiếm đóng.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas (phải) ký các thỏa thuận quốc tế tại TP Ramallah hôm 31-12-2014
Ảnh: Reuters
Bước đi trên cũng đánh dấu bước ngoặt mới trong tiến trình hòa bình Trung Đông: Chính quyền Palestine chuyển sang công cụ pháp lý để quốc tế hóa cuộc xung đột mà quá trình đàm phán (với Israel) kéo dài 20 năm qua vẫn chưa mang lại kết quả.
Kể từ khi được Đại Hội đồng LHQ trao quy chế nhà nước quan sát viên phi thành viên năm 2012, Palestine đã tích cực tìm kiếm sự ủng hộ cho việc thành lập một nhà nước độc lập mà không cần chờ kết quả hòa đàm với Israel. Song song với tham gia các tổ chức quốc tế, Palestine còn vận động các nước châu Âu công nhận nhà nước Palestine. Thụy Điển vào năm ngoái đã chính thức làm điều này, trong lúc các quốc hội Anh, Ireland, Pháp kêu gọi chính phủ có hành động tương tự.
Ông Daniel Reisner, chuyên gia về luật pháp quốc tế tại Công ty Luật Herzog Fox & Neeman (Israel), nhận định với nhật báo địa phương Yediot Aharonot rằng Palestine đã chính thức “tuyên chiến ngoại giao” với Israel. Ông Amos Yadlin, Giám đốc Viện Nghiên cứu an ninh quốc gia thuộc Trường ĐH Tel Aviv, cũng cảnh báo: “Israel đối mặt nguy cơ lớn hơn từ những nỗ lực ngoại giao của Palestine tại châu Âu và LHQ. Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến một trận chiến ngoại giao lớn trong năm 2015”.
Không có gì ngạc nhiên khi cả Israel và Mỹ đều thúc giục ICC bác đơn của Palestine cũng như cảnh báo trả đũa. Trừng phạt kinh tế hoặc cắt giảm viện trợ là lựa chọn khả dĩ. Theo luật pháp Mỹ, khoản viện trợ kinh tế - 400 triệu USD/năm - mà Washington dành cho Palestine có thể “bốc hơi” nếu Palestine dùng tư cách thành viên tại ICC để cáo buộc Israel.
Dù vậy, Reuters nhận định Israel và Mỹ cần cân nhắc mức độ đáp trả. “Chính quyền Palestine đang chịu sức ép tài chính. Người Israel và Mỹ biết rõ rằng bất kỳ sự trả đũa kinh tế nào cũng có thể khiến họ sụp đổ, đe dọa an ninh khu vực” - học giả Ghassan Khatib, một cựu bộ trưởng Palestine, nhận định.
Bình luận (0)