Trả lời phỏng vấn đài CNN (Mỹ) hôm 28-5 về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép và đưa đội tàu hộ tống hung hăng tới vùng biển Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Nguyễn Quốc Cường, nhấn mạnh Việt Nam không còn cách nào khác là đáp trả một cách hòa bình và kiên quyết.
Ông khẳng định hành động của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 và những cam kết của lãnh đạo Trung Quốc với ASEAN khi Trung Quốc ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) năm 2002.
Phản bác phát biểu sai trái của của ông Thôi Thiên Khải - Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ - trong cuộc phỏng vấn hồi tuần trước với CNN rằng Trung Quốc chỉ có một giàn khoan trong khi Việt Nam có hơn 30 giàn khoan trong khu vực mà ông này ngang nhiên gọi là “vùng biển tranh chấp”, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường chỉ rõ Trung Quốc đang “cố tình tìm cách biến vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam thành khu vực tranh chấp. Đó là điều không thể chấp nhận được”.
Việt Nam đã thăm dò và khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hợp pháp hàng thập kỷ, thu hút sự tham gia của nhiều công ty nước ngoài. Ngược lại, năm 2012, Trung Quốc mời thầu quốc tế các lô dầu khí trong vùng thềm lục địa của Việt Nam nhưng không có công ty nước ngoài nào tham gia.
“Chúng tôi không thể chấp nhận sự áp bức và đe dọa. Khi chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ bị xâm phạm, toàn dân Việt Nam quyết tâm bảo vệ chủ quyền đến cùng” - ông Cường nhấn mạnh.
Cùng ngày, Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Nguyễn Xuân Thủy có bài viết đăng tải trên báo Jakarta Post với những lý lẽ thuyết phục vạch trần luận điệu xuyên tạc về biển Đông, bóp méo lịch sử và vu cáo Việt Nam trong bài viết trước đó của thường vụ viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Indonesia Lưu Hồng Dương.
Ông Thủy chỉ rõ Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý thỏa đáng để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chủ quyền này đã được công nhận rộng rãi tại Hội nghị Hòa bình San Francisco vào tháng 9-1951.
Tại hội nghị, Trưởng phái đoàn Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Bảo Đại Trần Văn Hữu không gặp bất cứ sự phản đối nào của 50 quốc gia tham dự còn lại khi khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngược lại, đề xuất của đoàn Liên Xô trao chủ quyền 2 quần đảo nói trên cho Trung Quốc vấp phải sự phản đối của 46/51 thành viên.
Theo phân tích của Đại sứ Việt Nam, ông Lưu Hồng Dương đã cố ý trích dẫn sai công thư ngày 14-9-1958 của cố Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng. Trong thư, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng không đề cập đến Hoàng Sa và Trường Sa vì lúc đó 2 quần đảo này nằm dưới vĩ tuyến 17, thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng hòa và được Pháp chuyển giao trên thực tế theo Hiệp định Genève năm 1954 mà Trung Quốc cũng là một bên tham gia.
Ông Thủy cho rằng Trung Quốc đang tự mâu thuẫn khi gần đây luôn nói Hoàng Sa không có tranh chấp, trái với quan điểm của chính các lãnh đạo cấp cao nước này.
Bình luận (0)