Khi nước Mỹ phải gánh chịu 2 thảm họa thiên nhiên lớn trong vòng 1 tháng, câu hỏi quan trọng được đặt ra là: Liệu sự tàn phá do 2 siêu bão Harvey và Irma gây ra có thuyết phục được Tổng thống Donald Trump và chính quyền ông nhận ra thực tế của tình trạng biến đổi khí hậu?
Cơ ngơi Mar-a-Lago sang trọng của tổng thống Mỹ ở bang Florida có thể thoát được cơn phẫn nộ của siêu bão Irma.Thế nhưng, với cái chết của nhiều người Mỹ và hàng tỉ USD thiệt hại của các hộ gia đình và doanh nghiệp - cái giá của sự phủ nhận biến đổi khí hậu đang bắt đầu chồng chất ngay cửa Nhà Trắng.
Tháng trước, chỉ vài ngày trước khi siêu bão Harvey hình thành ở Đại Tây Dương, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc luật đảo ngược một chính sách thời người tiền nhiệm Barack Obama, theo đó hỗ trợ các cộng đồng và doanh nghiệp Mỹ đối phó tốt hơn trước nguy cơ lụt lội đang gia tăng do biến đổi khí hậu.
Cuộc đổ bộ của Harvey và Irma sẽ buộc tổng thống Mỹ phải công nhận hậu quả từ việc bác bỏ những nghiên cứu, phân tích của giới khoa học.
Những con đường ngập lụt ở TP Houston và những ngôi nhà bị gió bão tàn phá ở miền Nam bang Florida là dấu vết không thể nhầm lẫn của thời tiết cực đoan đã trở nên tồi tệ hơn bởi khí thải gây hiệu ứng nhà kính do con người tạo ra.
Ông Alfonso Jose cùng vợ và con trai tại một con đường ngập nước ở TP Bonita Springs, bang Florida hôm 12-9 Ảnh: AP
Mùa bão trên Đại Tây Dương thường chính thức diễn ra từ ngày 1-6 cho đến 30-11, với trung bình 12 cơn bão nhiệt đới, bao gồm 6 cơn bão mạnh có sức gió hơn 120 km/giờ.
Trong năm nay, tính đến thời điểm này, đã có 11 cơn bão, trong đó có 6 bão mạnh. Hồi đầu tháng 8 vừa qua, Cơ quan Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ đã nâng mức dự báo về mùa bão 2017 lên "trên mức bình thường", đồng thời cho rằng tổng số cơn bão có thể lên đến 19, với 9 bão mạnh.
Thế nhưng, mùa bão năm nay đã được xem là khác thường bởi 2 siêu bão đã tràn vào lục địa Mỹ sau 12 năm không có một trận bão mạnh nào như thế đổ bộ. Riêng siêu bão Irma lập kỷ lục là cơn bão mạnh nhất từng xuất hiện ở Đại Tây Dương và duy trì sức gió lên đến ít nhất 290 km/giờ trong thời gian dài nhất.
Biến đổi khí hậu không thể bị quy trách nhiệm cho số lượng cơn bão trong một mùa, cũng như sự hình thành của bất kỳ cơn bão nào. Dù vậy, biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng hơn hậu quả các cơn bão theo 3 cách dưới đây.
Một là, cường độ một trận bão phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng nước biển nóng hơn có xu hướng dẫn đến những cơn bão mạnh hơn.
Nhiệt độ trung bình của bề mặt biển đã và đang tăng lên, còn một số khu vực ở Bắc Đại Tây Dương và vịnh Mexico nóng hơn bình thường vào thời điểm này - được cho là nguyên nhân chính khiến cả 2 siêu bão Harvey và Irma mạnh lên nhanh chóng.
Hai là, bầu khí quyển ấm hơn có thể chứa nhiều hơi nước hơn, từ đó dẫn đến nhiều mưa hơn. Điều này đúng không chỉ đối với bão mạnh mà còn đối với cả những cơn bão yếu hơn khắp thế giới.
Ngay cả bão nhiệt đới vẫn có thể gây ra thiệt hại nặng nề bằng cách trút nhiều mưa xuống một khu vực nào đó.
Ba là, ngoài mưa to gió lớn, bão lớn còn gây thiệt hại thông qua những đợt sóng trào có thể gây ngập lụt các vùng đất thấp ven biển và quét đi tất cả những gì nằm trên đường đi của chúng. Mực nước biển trên toàn cầu đang dần tăng lên, khiến cho các đợt sóng trào trở nên mạnh và chết chóc hơn.
Lý do chính siêu bão Harvey gây ra cảnh ngập lụt kinh hoàng khắp TP Houston là do nó "nán lại" và trút mưa xuống thành phố này trong mấy ngày liên tục mà không di chuyển.
Chúng ta hiện vẫn chưa rõ liệu biến đổi khí hậu có đóng vai trò nào đó trong việc tạo ra những điều kiện khí quyển dẫn đến hiện tượng nói trên hay không.
Các nhà khoa học cũng chưa thể dự báo liệu biến đổi khí hậu có ảnh hưởng đến số lượng bão lớn xuất hiện mỗi năm hay không. Một số công trình nghiên cứu cho rằng số lượng bão lớn sẽ giảm nhưng sức mạnh của nó sẽ tăng.
Tuy nhiên, điều rõ ràng lúc này là cuộc sống và tính mạng của hàng triệu người Mỹ sẽ lâm nguy nếu ông Donald Trump và chính quyền của ông tiếp tục phủ nhận sự tồn tại của biến đổi khí hậu và tác động của nó đối với mối đe dọa do các cơn bão lớn gây ra.
(*) Tựa do tòa soạn đặt lại
Bình luận (0)