Không dừng lại ở đó, ông Biden sẽ phối hợp với một số quốc gia khác - như Ấn Độ và Nhật Bản - để cùng triển khai nước đi nêu trên nhằm gia tăng sức ép lên các công ty dầu lẫn liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất bên ngoài (gọi tắt là OPEC+).
Sau khi thông tin trên được đăng tải, giá dầu thô Brent tại Anh có lúc giảm còn 79,03 USD/thùng. Tương tự, giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) có thời điểm giảm còn 75,87 USD/thùng.
Mỹ thường sử dụng SPR trong những trường hợp nguồn cung bị gián đoạn, như sau khi xảy ra thiên tai. Tuy nhiên, quốc gia này chưa bao giờ dùng SPR để kiểm soát giá dầu. Theo giới chuyên gia, một bước đi như thế có thể khiến giá dầu giảm trong ngắn hạn nhưng tác động có thể bị hạn chế.
Trong bài viết đăng trên tờ South China Morning Post (Hồng Kông) ngày 23-11, nhà phân tích kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính người Anh Neal Kimberley có cùng quan điểm khi khẳng định đây chỉ là giải pháp chữa cháy, không thể giải quyết những vấn đề cốt lõi liên quan đến nguồn cung khiến giá dầu tăng đột biến thời gian qua.
Bể chứa và đường ống thuộc kho dự trữ dầu chiến lược ở TP Freeport, bang Texas - Mỹ. Ảnh: REUTERS
Cũng theo ông Kimberley, Trung Quốc cần cẩn trọng với quyết định xả kho dự trữ dầu chiến lược, đặc biệt khi họ là quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Mọi mức sụt giảm trong kho dự trữ chiến lược đều cần bổ sung, như thông qua hoạt động nhập khẩu từ các nhà sản xuất lớn, như OPEC+.
Vấn đề là OPEC+ thời gian qua không muốn, hoặc có lẽ là không thể, gia tăng nguồn cung bất chấp sức ép từ những khách hàng lớn, như Mỹ. Đây là một trong những yếu tố khiến giá dầu tăng kỷ lục giữa lúc nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng đột biến khi tác động kinh tế của dịch Covid-19 không còn nghiêm trọng như trước.
Trong trường hợp không thể bổ sung kho dự dự trữ chiến lược với giá cả phải chăng vì thiếu nguồn cung, Bắc Kinh sẽ đối mặt với 2 lựa chọn khó khăn: Trì hoãn bổ sung bất chấp rủi ro an ninh năng lượng hoặc chấp nhận mua dầu với giá cao kỷ lục, đe dọa phá hỏng nỗ lực giảm giá dầu từ quyết định xả kho dự trữ.
Một vấn đề đáng quan tâm khác là nguy cơ nổ ra cuộc chiến giành quyền kiểm soát thị trường năng lượng toàn cầu. Các quan chức OPEC+ tuyên bố sẽ đáp trả nếu Mỹ và các quốc gia khác xả kho dự trữ dầu chiến lược dù không nói rõ chi tiết.
Theo trang Oilprice.com, một động thái khả dĩ của OPEC+ là giảm bớt sản lượng khai thác dựa vào lượng dầu giải phóng từ các kho dự trữ chiến lược.
Bình luận (0)