Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã triệu tập phiên họp khẩn cấp về tình hình Syria ở TP New York - Mỹ lúc 11 giờ ngày 25-9 (giờ địa phương) theo yêu cầu của Anh, Pháp và Mỹ. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh chiến sự leo thang ở Syria kể từ khi lệnh ngừng bắn sụp đổ sau vụ một đoàn xe cứu trợ bị tấn công hôm 19-9 khiến 20 người thiệt mạng.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 24-9 nhấn mạnh việc khôi phục ngừng bắn ở Syria phụ thuộc vào tất cả các bên liên quan chứ không chỉ những “nhượng bộ đơn phương” của một mình Moscow. Ông Lavrov cũng kêu gọi điều tra cuộc tấn công nêu trên, đồng thời khẳng định không lực Nga và Syria không liên quan đến vụ việc.
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson hôm 24-9 cáo buộc máy bay Nga cố tình tấn công đoàn xe cứu trợ. Trả lời phỏng vấn đài BBC, quan chức này quả quyết Nga có lỗi trong việc kéo dài chiến tranh ở Syria và làm cho nó trở nên nghiêm trọng hơn. Trước đó một ngày, trong tuyên bố đưa ra sau cuộc họp ở Mỹ, ngoại trưởng các nước Mỹ, Anh, Đức, Ý, Pháp cùng cao ủy Liên minh châu Âu về đối ngoại và chính sách an ninh cho rằng Nga có trách nhiệm trong việc chấm dứt tình hình chiến sự ở Syria.
Trước thềm cuộc họp của Hội đồng Bảo an, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã bày tỏ lo ngại về sự leo thang quân sự ở TP Aleppo, trong đó có những vụ không kích sử dụng loại vũ khí gây cháy và bom phá boong-ke. Ông Ban cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế thống nhất phát đi tín hiệu rõ ràng rằng thế giới không thể chấp nhận việc sử dụng loại vũ khí có sức công phá mạnh và sát thương nhiều hơn để chống lại dân thường. Ông còn cáo buộc chính phủ Syria giết hại nhiều thường dân nhất trong cuộc xung đột ở nước này.
Tuy nhiên, theo hãng tin RIA Novosti, quân đội Syria đã bác bỏ mọi cáo buộc về hành động tấn công thường dân. Không những thế, Ngoại trưởng Syria Walid al-Moalem hôm 24-9 tuyên bố lực lượng chính phủ đã có “những bước tiến lớn trong cuộc chiến chống khủng bố”. Damascus xem mọi nhóm phiến quân tìm cách lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad là khủng bố.
Trên mặt trận quân sự, cả phe nổi dậy và quân đội Syria ngày 25-9 cho biết máy bay Nga và Syria đã dội bom xuống trại tị nạn Handarat của người Palestine, chỉ cách TP Aleppo vài cây số, sau khi mất quyền kiểm soát nơi này đêm trước đó. Theo Reuters, quân nổi dậy tố cáo quân đội Syria đã sử dụng các loại vũ khí mạnh hơn nhằm đạt được mục tiêu tái chiếm trại Handarat.
Với hàng trăm ngàn người dân vẫn còn bị mắc kẹt, Aleppo hiện trở thành chiến trường lớn nhất ở Syria kể từ khi cuộc xung đột ở nước này nổ ra năm 2011. Quân đội hôm 22-9 thông báo mở chiến dịch quân sự mới nhằm tái chiếm Aleppo. Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (Anh) ngày 25-9, hơn 200 người đã thiệt mạng kể từ khi chiến dịch này nổ ra.
Ngoài ra, chiến sự leo thang ở TP Aleppo còn khiến gần 2 triệu người sống trong cảnh thiếu nước. Người phát ngôn Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) Kieran Dwyer nhận định nước đã trở thành thứ vũ khí chiến tranh của tất cả các bên. Theo ông, nhiều người buộc phải dùng nước nhiễm bẩn và có nguy cơ mắc các bệnh lây lan qua nguồn nước. Vì thế, UNICEF đã thúc giục các bên tham chiến ngưng ngay các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng nước - vốn bị xem là tội ác chiến tranh theo Nghị định thư bổ sung Công ước Geneva.
Bình luận (0)