Nhà Trắng trong mấy tuần qua luôn khẳng định Tổng thống Barack Obama sẽ không thương thảo với phe Cộng hòa về chuyện thâm hụt ngân sách, thuế và cả đạo luật chăm sóc y tế của mình (thường được gọi là Obamacare) cho đến khi nào chính phủ mở cửa lại và trần nợ công được tăng lên trước hạn chót nêu trên. Trong khi đó, những nghị sĩ bảo thủ của Đảng Cộng hòa quyết tâm dùng chuyện ngân sách và trần nợ công để gây sức ép buộc Nhà Trắng bãi bỏ hoặc trì hoãn Obamacare.
Dù vậy, cánh cửa dẫn đến một thỏa thuận bắt đầu hé mở tại một cuộc họp báo hôm 8-10 khi ông Obama bất ngờ chấp nhận thương thảo về những vấn đề ngân sách lớn hơn nếu có một thỏa thuận để mở cửa lại chính phủ và tăng trần nợ công, ngay cả khi đây chỉ là thỏa thuận ngắn hạn. Nhóm hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa ngay lập tức đề xuất gia hạn khả năng vay mượn của chính phủ thêm 6 tuần và nhanh chóng thương thảo nhằm chấm dứt tình trạng đóng cửa. Đổi lại, họ muốn có một thỏa thuận về vấn đề cắt giảm chi tiêu, tập trung vào các chương trình phúc lợi mục tiêu (bảo hiểm y tế Medicare, an sinh xã hội…). Trong khi đó, các thượng nghị sĩ của đảng này cũng đưa ra kế hoạch chấm dứt khủng hoảng kép nhằm đổi lấy những thỏa thuận khác, bao gồm việc bãi bỏ thuế đánh vào thiết bị y tế.
Dĩ nhiên là phe Cộng hòa cũng phải chịu nhượng bộ ít nhiều nếu muốn có một lối thoát. Trước mắt, những người bảo thủ sẽ phải tạm ngưng cuộc chiến chống lại Obamacare, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chính phủ đóng cửa hiện nay. Dù vậy, họ cũng có lý do để hài lòng bởi ít ra ông Obama đã chịu thương thảo.
Ông Paul Ryan, một người Đảng Cộng hòa và là chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ viện, gợi ý các cuộc đàm phán sắp tới không nên chỉ nói về Obamacare mà cần tập trung vào những cải tổ cần thiết đối với các chương trình phúc lợi mục tiêu và hệ thống thuế. Theo ông, quy mô của lần gia hạn tới đây sẽ phụ thuộc vào mức độ cắt giảm ngân sách. Ông khẳng định: “Cải tổ nhỏ, gia hạn ngắn; cải tổ vừa, gia hạn trung bình”.
Con đường đi đến một thỏa thuận cuối cùng vẫn còn không ít chông gai nhưng điều quan trọng là cả hai bên đã chịu thăm dò các giải pháp nhằm phá vỡ tình trạng bế tắc chính trị hiện nay trước sức ép ngày càng tăng của người dân và doanh nghiệp. Ông Gus Faucher, nhà kinh tế cao cấp của Ngân hàng PNC, nhận định: “Đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy ít ra chúng ta cũng sẽ có được một thỏa thuận về trần nợ công. Đây là vấn đề khiến nhà đầu tư lo ngại hơn cả việc chính phủ đóng cửa”. Dù vậy, ông cảnh báo rằng sự bất ổn đang ảnh hưởng đến nền kinh tế và việc không đạt được thỏa thuận nào sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực lâu dài.
Một kết cục như thế chắc chắn là điều không mong muốn, nhất là với phe Cộng hòa, bởi họ đang bị cử tri đổ lỗi nhiều nhất vì những gì đang xảy ra. Điều được quan tâm nhiều vào lúc này là họ sẽ làm gì để thoát khỏi mớ bòng bong mà chính họ góp phần tạo ra và gánh chịu bao nhiêu thiệt hại một khi mọi chuyện kết thúc.
Bình luận (0)