xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chuck Feeney, tỉ phú không nhà

THẢO HƯƠNG

Nhà tỉ phú từng đứng hạng 23 trong số những người giàu nhất thế giới này không những không có nhà mà cũng không có cả xe hơi. Ông chỉ sắm quần áo may sẵn, đeo chiếc đồng hồ trị giá không tới 15 USD, đi làm bằng xe điện ngầm và đi công tác xa với chiếc vé máy bay hạng bình dân. Thế nhưng trong 20 năm qua, Chuck Feeney đã tặng 4 tỉ USD thông qua các hoạt động từ thiện

Nhà tỉ phú không giống ai này – theo nhật báo The New York Times – là một bậc thầy về che giấu tấm lòng nhân ái trong một thời gian dài. Ông cho nhiều tiền như vậy nhưng những người được hưởng không bao giờ biết tên ân nhân của mình bởi ông luôn hành động một cách bí mật. Ít ra là trước ngày 23-1-1997. Tại thời điểm này, ông đã tặng hơn 600 triệu USD cho các trường đại học, trung tâm y tế... mà không ai biết. Kể cả các tạp chí kinh tế chỉ biết ông có hàng tỉ USD nhưng lại không biết ông đã chuyển hầu hết tài sản cho quỹ từ thiện của mình, chỉ giữ lại vài triệu để nuôi dưỡng 5 đứa con, 4 gái và 1 trai.

Vào ngày 23-1-1997, nhật báo The New York Times lần đầu tiên được phép đăng một bài báo về ông. Sở dĩ ông phá vỡ nguyên tắc bí mật đời tư vì lúc đó ông có một vụ kiện cáo với Robert W. Miller, một người bạn thân đồng sáng lập tập đoàn cửa hàng miễn thuế DFS, về việc bán tập đoàn này. Lúc ra tòa, ông phải tiết lộ các hoạt động từ thiện của mình, không thể giấu giếm báo chí nữa.

Xài hết tiền trước khi chết

Charles F. Feeney - Chuck Feeney là tên gọi thân mật – là một người Mỹ gốc Ireland sinh ngày 23-4-1931 tại Elizabeth, bang New Jersey, Mỹ. Ông mang hai quốc tịch Mỹ và Ireland, nói rành tiếng Pháp và Nhật. Hiện ông qua lại thường xuyên Dublin, thủ đô nước Cộng hòa Ireland và Đà Nẵng, nơi ông đang có một dự án giáo dục trẻ em VN về an toàn giao thông, một dự án xử lý nước thải và chuẩn bị nhiều dự án dân sinh khác.

Cùng với Robert Miller, bạn học cùng Trường Đại học Cornell, ông bắt đầu sự nghiệp bằng cách bán rượu không thuế cho thủy thủ Mỹ từ đầu thập niên 1950. Sau đó hai người bán xe hơi cho lính Mỹ đồn trú ở châu Âu và châu Á. Rồi, thừa cơ hội du lịch bùng nổ sau chiến tranh, họ dựng lên thương hiệu cửa hàng miễn thuế (DFS) ở các cửa khẩu và trở thành hệ thống bán lẻ rượu, thuốc lá và những mặt hàng xa xỉ phẩm số một thế giới. Doanh số của DFS hiện đạt 3 tỉ USD/năm. Tuy bán những thứ lắm tiền như thế nhưng ông Feeney không bao giờ thắt cà-vạt Hermes hay mang giày Gucci.

Năm 1982, ông thành lập quỹ bác ái Đại Tây Dương (Atlantic Philanthropies, gọi tắt là A.P) đặt trụ sở ở Bermuda để khỏi phải khai báo với nhà chức trách Mỹ. Ông làm việc này để che giấu tài sản và các hoạt động từ thiện của mình. Ông giao cho Harley P.Dale, một giáo sư luật, làm giám đốc điều hành mọi hoạt động từ thiện của ông.

Thông thường đa số các quỹ từ thiện mang tên người sáng lập và mỗi năm chỉ chi 5% doanh thu cho các hoạt động từ thiện. Ông Feeney ngược lại không lấy tên mình đặt cho tên quỹ. Phần lớn tài sản ông đều sung vào quỹ A.P từ năm 1984 và ra lệnh chi tối đa. Mỗi năm, quỹ của ông chi trung bình 350 triệu USD. Từ đó đến nay quỹ A.P đã chi 4 tỉ USD ở khắp thế giới. Năm 2000, ông lại ra lệnh cho hội đồng quản trị của quỹ chi đến đồng xu cuối cùng của quỹ, hiện nay ước tính khoảng 4 tỉ USD chưa tính lãi cộng thêm hằng ngày, trước năm 2017.

Khoản từ thiện lớn nhất của A.P là tặng 600 triệu USD cho Trường Đại học Cornell – nơi ông tốt nghiệp bằng cử nhân quản trị khách sạn - và 1 tỉ USD cho các trường học ở Ireland. Ông thường nói vui: “Tôi sẽ không chết trước khi xài hết tiền”.

Triết lý sống của ông Feeney có thể rút gọn trong câu nói sau đây: “Con người ta phải dùng sự giàu có của mình để giúp người khác. Tôi cố gắng sống một cuộc sống bình thường, đó là con đường tôi đã trải qua và trưởng thành. Ngay từ đầu, tôi đã làm việc cật lực nhưng không phải để làm giàu”.

Ly dị vợ tặng nhà, ở nhà thuê

Chuck Feeney thường nói ông quý trọng tiền bạc nhưng rất ghét phung phí nó. Quan niệm sống này ông đã cố gắng truyền lại cho 5 người con từ lúc chúng còn bé. Mặc dù có tiền, ông vẫn “cày như trâu” và không muốn con ông trở thành “những đứa con nhà giàu hư hỏng”. Ông yêu cầu con trai đi làm hầu bàn, con gái làm bồi phòng khách sạn hoặc thâu ngân trong các kỳ nghỉ hè. Điều đáng nói là các con ông không bao giờ than phiền về chuyện ông “phung phí” tiền bạc vào các hoạt động từ thiện.

Ông cũng tự hào vì “không có đứa nào tỏ ra khó chịu khi ông quyết định chúng phải đi làm thêm”. Ông nói thêm: “Chúng tôi đã làm một việc đáng làm và bảo đảm rằng gia đình vẫn còn đủ tiền để sau này có đầy đủ những thứ chúng cần trong cuộc sống”.

Leslie Feeney Baily, trưởng nữ của Feeney, phát biểu trên tờ The New York Times: “Ông ấy là một người lập dị nhưng ông không cho phép kẻ khác dùng tiền để đối xử với chúng tôi không ra gì. Ông ấy giúp chúng tôi sống như những người bình thường”.

Ông Feeney từng có 6 căn hộ sang trọng ở Côte d’Azur (Pháp), Mayfair và đại lộ Park (New York). Ông đã bán tất cả và giờ đây ông thuê lại một căn hộ nhỏ chỉ có hai phòng ở San Francisco để sống cùng với Helga, bà vợ hai, nguyên là thư ký riêng của ông. Bà vợ trước của ông sau khi ly dị được ông chia 7 căn nhà và 60 triệu USD.

Hãy cho khi còn sống

Triết lý đơn giản “hãy cho khi còn sống” của nhà tỉ phú Chuck Feeney đã được nhiều nhà tỉ phú Mỹ khác chia sẻ và hành động. Hiện đang có một làn sóng làm từ thiện mới trong giới tỉ phú Mỹ mà Bill Gates, Warren Buffet – những siêu tỉ phú – là đầu tàu. Ngay cả Simon Cowell – người bị các fan cuộc thi hát American Idol (Thần tượng Mỹ) đang diễn ra gọi là “Ông cáu kỉnh” – một nhân vật nổi tiếng giàu nhất trong ngành truyền hình Anh, năm nay 48 tuổi, không có con để thừa kế tài sản, tuần rồi cũng tuyên bố sẽ tặng 180 triệu USD cho các cơ quan từ thiện giúp đỡ trẻ em và thú cưng.

Như vậy, thay vì để lại tài sản trị giá bạc tỉ sau khi qua đời, khi còn sống họ đã lập các quỹ từ thiện và phân phối số tài sản khổng lồ của họ càng nhanh càng tốt trước khi qua đời. Nhật báo The Independent của Anh gọi đây là một cuộc cách mạng về khái niệm từ thiện.

Warren Buffet là một ví dụ. Nhà đầu tư giàu nhất thế giới này (với tài sản 62 tỉ USD) hồi năm 2006 đã làm các nhà từ thiện thế giới rúng động khi ông tuyên bố tặng 83% tài sản của ông cho quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates. Đây là số tiền từ thiện lớn nhất của một cá nhân.

Bill & Melinda Gates là quỹ từ thiện lớn nhất thế giới do Bill Gates, người giàu thứ hai thế giới, sáng lập. Ông Gates cho biết sẽ dùng số tiền khổng lồ của ông Buffet để cải thiện tình trạng đói nghèo, bệnh tật và chết lúc mới sinh ở các nước nghèo.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo