Đây không chỉ là chuyến công du Hàn Quốc đầu tiên trên cương vị chủ tịch nước của ông Tập mà còn là lần đầu tiên, người đứng đầu Bắc Kinh phá lệ thăm Seoul trước Bình Nhưỡng.
Hai người tiền nhiệm của ông Tập là Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân đều chọn thăm Bình Nhưỡng trước. Vì vậy, quyết định của ông Tập Cận Bình được cho là phản ánh vết rạn nứt ngày càng lớn giữa Trung Quốc và Triều Tiên, đặc biệt là sau lần thử hạt nhân thứ ba của Bình Nhưỡng hồi tháng 2-2013. Phủ tổng thống Hàn Quốc thông báo 2 nhà lãnh đạo sẽ bàn về tình hình bán đảo Triều Tiên, bao gồm chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Theo ông Tôn Triết, giáo sư Trường ĐH Thanh Hoa, thăm Triều Tiên hay Hàn Quốc trước là lựa chọn khó khăn của ông Tập bởi “Trung Quốc không muốn trở thành kẻ thù của Triều Tiên” nhưng Hàn Quốc lại là quốc gia đang đem lại nhiều lợi ích kinh tế và ngoại giao.
Tuy nhiên, chuyến đi của ông Tập không chỉ đơn giản như vậy. Tờ Nikkei của Nhật nhận định thắt chặt quan hệ với Seoul sẽ giúp Bắc Kinh phần nào ép Tokyo trong cuộc chiến giành quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye
tại Bắc Kinh vào tháng 6-2013. Ảnh: AP
Chắc chắn một điều Triều Tiên sẽ trả đũa, tờ Asahi (Nhật Bản) phỏng đoán. Chưa gì Triều Tiên đã loan tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát đợt bắn thử loại tên lửa dẫn đường chính xác cao vừa phát triển hôm 27-6.
Đó là chưa kể gần đây, đàm phán về vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc được rục rịch nối lại. Động thái này không chỉ gây nhiễu mối liên kết Mỹ - Hàn - Nhật trong chiến lược đối phó Triều Tiên mà còn khiến Trung Quốc phải dè chừng.
“Triều Tiên rất coi trọng thể diện. Sau khi ông Tập thăm Hàn Quốc, Bình Nhưỡng có thể tiến hành nhiều hoạt động gây tổn hại lợi ích của Trung Quốc” - một nguồn tin của Asahi tiết lộ. Thực ra, theo trang New Focus International, hồi tháng 4 vừa qua, trung ương Đảng Lao động Triều Tiên đã ra sắc lệnh nội bộ mang tên “Từ bỏ giấc mơ Trung Quốc” với nội dung thẳng thừng: “Trung Quốc là gã láng giềng xấu tính đã phỉ báng khả năng tự vệ bằng hạt nhân của chúng ta và chọn đứng về phía Mỹ”. Các công ty được lệnh bớt buôn bán với Trung Quốc và mở rộng giao thương với Nga. Hợp đồng thanh toán bằng nhân dân tệ cũng bị kiểm soát chặt chẽ hơn hợp đồng theo USD.
Tạp chí Newsweek (Mỹ) viết: “Cứ mỗi lần quan hệ với Trung Quốc nguội lạnh, Triều Tiên lại dùng lá bài Nga”. Theo đài Fox News (Mỹ), Moscow vẫn lo ngại việc có một láng giềng kè kè vũ khí hạt nhân bên cạnh nhưng gần đây, Nga đã xóa cho Triều Tiên món nợ gần 10 tỉ USD từ những năm 1980, đồng thời hứa hẹn tăng cường giao thương và đầu tư các dự án phát triển với Triều Tiên.
Ông Narushige Michishita, chuyên gia an ninh tại Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản, nhận định: “Thắt chặt quan hệ với Triều Tiên sẽ giúp Nga tăng vị thế mặc cả với Mỹ và Nhật Bản, nhất là giữa lúc quan hệ với phương Tây đang căng thẳng vì khủng hoảng Ukraine. (...) Cũng vì vậy mà tương lai các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Triều Tiên sẽ bị khuấy cho đục ngầu”.
Trung Quốc, Triều Tiên, Nga đều có những thế kẹt trong tính toán của mình. Hàn Quốc cũng không ngoại lệ. Như tờ Diplomat (Nhật Bản) chỉ ra, Seoul đang vướng ngày càng sâu vào mối mâu thuẫn giữa phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc và phụ thuộc quân sự vào Mỹ vốn khởi phát từ hơn 1 thập kỷ trước.
Không chỉ vậy, Hàn Quốc có thể không quá lo lắng về sự trỗi dậy của Trung Quốc như Mỹ và Nhật song không có nghĩa là nước này chịu thỏa hiệp trong các tranh chấp lãnh hải. Điển hình là Seoul phản ứng rất dữ dội với vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mà Bắc Kinh lập ra trên biển Hoa Đông vào năm ngoái và cũng không hề nhẹ tay với ngư dân Trung Quốc đánh bắt trộm trên biển Hoàng Hải.
Bình luận (0)