Một nhân viên cao cấp trong NSA, dĩ nhiên là giấu tên, tiết lộ với báo Bild am Sonntag (Đức) hôm 23-2: “Chúng tôi được lệnh không bỏ lỡ bất kỳ thông tin nào dù không được do thám trực tiếp bà thủ tướng”. Theo bài báo, NSA đã cử 297 nhân viên sang Đức với nhiệm vụ theo dõi 320 yếu nhân, hầu hết là chính khách và lãnh đạo doanh nghiệp.
Nằm trong tầm ngắm của NSA, được “ưu ái” nhất là Bộ trưởng Nội vụ Thomas de Maiziere bởi bà Merkel hay tìm kiếm lời khuyên từ ông. Theo nội dung một cuộc trò chuyện bị nghe lén, bà Merkel đã hỏi ông Maiziere: “Tôi nên làm gì đây?”. Một lý do khác là ông Maiziere từng được nhắm cho vị trí tổng thư ký NATO.
Chuyện Mỹ bị tố do thám người Đức không có gì mới. Năm ngoái, Berlin nổi giận sau khi xuất hiện thông tin NSA nghe lén điện thoại di động bà Merkel, khiến quan hệ đồng minh lâu đời chông chênh. NSA còn bị cáo buộc do thám các công ty Đức để mang lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp Mỹ dù Washington kịch liệt bác bỏ.
Đó là lý do Chính phủ Đức muốn có một thỏa thuận không do thám với Mỹ nhưng hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier dự kiến đến Mỹ trong ngày 27-2 để bàn tiếp chuyện này dù bản thân ông không tin một thỏa thuận như thế đủ sức ngăn NSA tiếp tục “ngó nghiêng”.
Nỗi nghi ngờ này là có cơ sở bởi tháng rồi, Tổng thống Mỹ Barack Obama một mặt trấn an bà Merkel rằng quan hệ 2 nước không bị ảnh hưởng nhưng mặt khác nói NSA sẽ tiếp tục do thám các chính phủ nước ngoài. Bà Merkel có lẽ cũng không tin lời ông tổng thống nên lên tiếng kêu gọi châu Âu phát triển hệ thống liên lạc mới để tránh đi qua hệ thống của Mỹ.
Bình luận (0)