Phó Thủ tướng Cộng hòa Crimea Roustam Temirgaliev tuyên bố: “Đó là một điều không thể xảy ra. Họ chỉ có thể tự trị về văn hóa”.
Trong khi đó, người Tatar đang nỗ lực tìm kiếm quyền tự trị trên phạm vi khu vực mà họ đang cư trú, một động thái được xem là thách thức Điện Kremlin bằng việc tổ chức Đại hội khẩn cấp hồi tuần trước.
Cộng đồng người Tatar ở Crimea đang đấu tranh đòi quyền tự trị lãnh thổ. Ảnh: Biyokulule
Trong cuộc trưng cầu dân ý sáp nhập Crimea vào Nga hôm 16-3, phần lớn người Tatar tẩy chay bỏ phiếu.
Lãnh đạo địa phương của nhóm Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực cho biết họ đang xem xét một cuộc trưng cầu dân ý để gia tăng quyền tự chủ của mình. Còn thủ lĩnh tinh thần Mustafa Dzhemilev của người Tatar, cũng là một nghị sĩ trong quốc hội Ukraine, nói rằng họ muốn là một phần của Ukraine.
Người Tatar trước đây là cư dân bản địa ở bán đảo Crimea nhưng bị nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin trục xuất tới Trung Á. Họ trở lại quê hương vào cuối năm 1980 nhưng vẫn gặp rắc rối về quyền sở hữu đất đai.
Trong ngày 3-4, Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov kêu gọi Mỹ cần bình tĩnh và phải chấp nhận Crimea đã là một phần của nước Nga. Ông Ryabkov nói với hãng tin Interfax: “Chúng tôi có thể tư vấn cho các đồng nghiệp Mỹ làm gì bây giờ? Hãy cởi mở hơn, dành thời gian tập yoga, có chế độ ăn uống hợp lý và xem chương trình hài kịch trên truyền hình. Giận dữ và kêu ca cũng chẳng giúp ích được gì”.
Ông Ryabkov phát biểu như trên sau khi Nhà Trắng thêm Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) vào danh sách cấm liên lạc với đặc phái viên của chính phủ Nga. Ông Ryabkov cho biết thêm chính quyền Washington đã “hết sức vô lý” khi hủy bỏ cuộc họp giữa các nhà khí tượng học hai nước nhằm thảo luận vấn đề khí hậu toàn cầu.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov. Ảnh: Reuters
Cùng ngày, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã bắt giữ 25 người Ukraine bị nghi ngờ chuẩn bị tấn công vào khu vực phía Nam và miền Trung nước này. Các mục tiêu bao gồm thành phố Rostov, Volgograd, Tver, Orel, Belgorod, Kalmykia và Tatarstan.
25 nghi phạm bị bắt giữ được cho là thành viên của phong trào dân tộc chủ nghĩa cực đoan. Theo FSB, những kẻ này lên kế hoạch tấn công từ ngày 14 đến 17-3 vừa qua.
Ngay sau đó, cổng thông tin Dịch vụ An ninh Quốc gia Ukraine (SBU) khẳng định báo cáo của FSB là “vô nghĩa”. Tuyên bố được phát đi vài giờ sau khi nhân viên an ninh Nga có mặt tại trụ sở SBU để giúp chính quyền Kiev giải quyết vụ hơn 100 người biểu tình thiệt mạng trong các cuộc xung đột với chính phủ.
Cũng trong ngày 3-4, Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu (EASA) đã yêu cầu các hãng hàng không tránh không phận của Crimea đồng thời cảnh báo về "các nguy cơ nghiêm trọng" sau khi bán đảo này bị Nga sáp nhập.
Bình luận (0)