Thủ tướng Cộng hòa tự trị Crimea Sergei Aksenov cùng với con gái Kristina là những người đầu tiên bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân tại điểm bỏ phiếu số 08069 ở phía Tây TP Symferopol hôm 16-3. Ông tuyên bố cuộc trưng cầu ý dân này - sáp nhập vào Nga hoặc mở rộng quyền tự trị trong thành phần Ukraine - mang tính lịch sử, đồng thời quả quyết nó sẽ kết thúc một cách tốt đẹp cũng như không dẫn đến khủng hoảng.
Đông Ukraine tiếp tục căng thẳng
1,515 triệu cử tri tại Crimea và 305.000 cử tri ở TP Sevastopol có đủ tư cách bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân. Các điểm bỏ phiếu mở cửa từ 8 giờ đến 20 giờ ngày 16-3 (giờ địa phương). Kết quả cuộc trưng cầu dự kiến được công bố trong ngày 17-3.
Hơn 600 nhà báo thuộc 170 cơ quan báo chí và 135 quan sát viên từ 23 quốc gia - trong đó có các đại biểu quốc hội các nước Tây Âu và Đông Âu cũng như Nghị viện châu Âu - đã đăng ký theo dõi cuộc bỏ phiếu.
Một ngày trước đó, Phó Thủ tướng thứ nhất Crimea Rustam Temirgalyev thông báo binh sĩ người Crimea đang phục vụ tại các khu vực khắp Ukraine đã bỏ ngũ hàng loạt và trở về Crimea. Đồng thời, theo ông, nhiều binh sĩ Ukraine đóng quân trên bán đảo này đã quyết định ở lại đây. Trước đó, Thủ tướng Aksenov xác nhận chỉ còn 2 đơn vị quân đội Ukraine ở Crimea chưa ủng hộ chính phủ cộng hòa tự trị.
Chiều 15-3, theo báo Vzglyad, lực lượng tự vệ Crimea đã kịp thời ngăn chặn hàng chục tay súng thuộc đơn vị biên phòng Ukraine phá hoại tại trạm phân phối khí đốt ở mũi Arabat, Đông Bắc Crimea.
Liên quan đến sự việc trên, ông Aksenov đã yêu cầu Tư lệnh Hạm đội Biển Đen Alexander Vitko nhận nhiệm vụ bảo vệ trạm phân phối khí đốt này nhằm bảo đảm an ninh năng lượng, một phần để đề phòng trường hợp chính quyền Ukraine cắt điện năng. Ngoài ra, lực lượng tự vệ tại Sevastopol cũng chặn đứng âm mưu bắt cóc thủ lĩnh Đảng Khối Nga, ông Gennady Basov.
Trong khi đó, Ukraine tố cáo Nga xâm nhập một khu vực giáp với Crimea vào đêm 15-3, đồng thời cam đoan sử dụng tất cả mọi biện pháp cần thiết để đẩy lùi vụ tấn công này. Bộ Ngoại giao Nga cho biết có thông tin các phần tử vũ trang thuộc tổ chức Right Sector đã mở mặt trận phía Đông và dự định tăng viện cho các thành phố miền Đông Ukraine. Trước đó, đã có 2 người chết ở Kharkov và 1 người chết ở Donetsk trong các cuộc xô xát giữa những người ủng hộ và chống đối Nga.
Nga bị gạt khỏi G8
Mối quan hệ của Nga với phương Tây ngày càng căng thẳng sau khi cuộc trưng cầu ý dân ở Crimea diễn ra. Các quốc gia đối tác của Nga trong nhóm G8 đang chuẩn bị nhóm họp ở London - Anh vào mùa hè này với hình thức G7 thay vì hội nghị G8 ở Sochi - Nga theo kế hoạch đã ấn định trước. Theo báo Spiegel, Anh đã đưa ra đề nghị trên và các nước khác chấp nhận.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc, thiếu tướng hải quân John Kirby, cho biết trong cuộc tiếp xúc ở Washington hôm 15-3 (giờ địa phương), bộ trưởng quốc phòng 2 nước Mỹ và Pháp đã nhất trí xem xét lại các chương trình hợp tác song phương về quân sự với Nga.
Trong khi Lầu Năm Góc đã tuyên bố ngưng các chương trình hợp tác quân sự với Nga, Tổng thống Pháp Francois Holland hôm 15-3 tuyên bố Paris sẽ thực hiện bước đi như thế trong tương lai nếu Moscow không thay đổi đường lối đối với tình hình ở Ukraine.
Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố trong bất cứ trường hợp nào, cả hai bên đều sẽ chịu thiệt hại do áp đặt lệnh trừng phạt qua lại. Ông cũng đã kêu gọi các đối tác quốc tế, đặc biệt là Tổng thống Mỹ Barack Obama, đừng hy sinh mối quan hệ song phương vì những bất đồng ở Ukraine.
Bình luận (0)