Cứ khoảng 30 phút, người xem kênh tin tức 24 giờ của Nga lại được xem nhiều hình ảnh nhạy cảm. Với những âm điệu dồn dập vang lên, hình ảnh của ứng cử viên Đảng Cộng Hòa Donald Trump chợt hiện trên màn hình kèm theo các bình luận thô tục, tiếp theo là hình ảnh khỏa thân của vợ ông, bà Melania.
Kế liền đó là hình ảnh của cựu thực tập sinh Nhà Trắng Monica Lewinsky, cựu tổng thống Bill Clinton và những cáo buộc ông Clinton về hành vi quấy rồi tình dục. Loạt hình ảnh kết thúc với giọng nói của ôngTrump lặp lại ý kiến cực kỳ khiếm nhã của ứng cử viên này về phụ nữ. Sau đó, tiếng đàn guitar dứt hẳn.
Ông Dmitry Kiselyov, người dẫn chương trình trên kênh truyền hình quốc gia Nga Rossiya-24 Ảnh: ROSSIA 1
Ngoài việc gợi lại các vụ bê bối tình dục, truyền hình Nga còn đặt dấu hỏi về gian lận bầu cử ở Mỹ. Ông Dmitry Kiselyov, người dẫn chương trình thời sự trên kênh truyền hình quốc gia Nga Rossiya-24, cuối tuần trước nhận xét rằng đây là chiến dịch tranh cử “bẩn nhất trong lịch sử của Mỹ”.
Ông này nói đến chuyện tình huống tên người chết được sử dụng để bỏ phiếu; cười nhạo chuyện cử tri đi xe buýt kéo đến các địa điểm bỏ phiếu khác nhau.
Theo đánh giá của ông Kiselyov, “ứng cử viên nào trở thành tổng thống đều sẽ không phải là tổng thống của cả nước Mỹ”. “Các đầu sỏ tổ hợp công nghiệp quân sự” mới là những nhà hoạch định chính sách thực sự ở Mỹ, tổng thống chỉ là con rối.
Ông Kiselyov cho rằng Mỹ nên quan tâm hơn đến các vấn đề nội bộ thay vì can thiệp vào hoạt động của các nước khác.
Trong diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Nga thông báo rằng các nhà ngoại giao Mỹ không được phép giám sát bầu cử tại Nga trong tương lai. Đây là động thái đáp trả của Moscow đối với việc Mỹ cản trở các nhà ngoại giao Nga giám sát các hành vi gian lận có thể xảy ra tại cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Về phía phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, họ cũng đưa ra các bài xã luận hoài nghi về cuộc bầu cử Mỹ. Trong một bài bình luận, tờ Nhân dân Nhật báo đánh giá cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ là “sự hỗn loạn”, vết nhơ “đê hèn và kém văn minh nhất”, cho thấy nền dân chủ Mỹ suy yếu đi.
Trong khi đó, Thời báo Hoàn cầu, ấn phẩm phụ của Nhân dân Nhật báo, khẳng định rằng tham vọng địa chính trị của Mỹ trên thế giới gần như sắp đến hồi kết và thế giới không nên quá coi trọng.
Truyền thông Trung Quốc và các nhà bình luận chính phủ nghĩ rằng ông Trump sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử. Giống như Nga, Trung Quốc thiên về kịch bản ông Trump làm tổng thống Mỹ vì ông này ít có ý muốn đối phó với chính sách đối ngoại mạnh mẽ của Trung Quốc, đặc biệt là về biển Đông.
Ngược lại, cựu ngoại trưởng Hillary Clinton không thích Bắc Kinh vì họ luôn muốn đẩy Mỹ ra xa chiến lược tái cân bằng ở châu Á, nhất là trong lĩnh vực quân sự.
Chuyên gia Mai Tân Ngọc viết trên Thời báo Hoàn cầu rằng xét theo quan điểm chung, Trung Quốc sẽ dễ dàng đối phó hơn nếu ông Trump đắc cử. Bởi vì nếu theo đường lối chủ trương của Tổng thống Barack Obama và cựu tổng thống Bill Clinton, xung đột chính trị và quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ thường xảy ra hơn.
Bình luận (0)