Thông thường, các cuộc họp của các Ủy ban khẩn cấp (EC) về Quy định Y tế Quốc tế (IHR) của WHO sẽ đưa ra một kết luận cụ thể nhằm cung cấp cho Tổng Giám đốc WHO cơ sở để quyết định một dịch bệnh mới nổi nào đó có nên được tuyên bố là PHEIC - Tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng gây quan ngại quốc tế hay không.
PHEIC là mức cảnh báo cao nhất của WHO, một ví dụ của PHEIC chính là Covid-19. Với đậu mùa khỉ, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã tuyên bố PHEIC dù Ủy ban khẩn cấp vẫn chưa đồng thuận được nó có nên là một PHEIC hay không.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tại cuộc họp báo tối 23-7 - Ảnh: WHO
Tuy nhiên đối với đậu mùa khỉ, cuộc họp của Ủy ban khẩn cấp IHR được triệu tập lần thứ hai vào ngày 21-7 đã không đạt được sự đồng thuận, WHO cho biết trong các tài liệu được gửi đến báo giới đêm 23-7 và rạng sáng 24-7.
Người đứng đầu WHO cho biết: "Tôi được yêu cầu xem xét 5 yếu tố để quyết định xem một đợt bùng phát có phải là PHEIC hay không".
Thứ nhất, thông tin được cung cấp bởi các quốc gia. "Trong trường hợp này thông tin cho thấy virus đã lây lan nhanh chóng đến nhiều quốc gia mà trước đây chưa từng thấy" - tiến sĩ Tedros nói.
Thứ hai, 3 tiêu chí để tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm theo Quy định Y tế Quốc tế, đã được đáp ứng.
Thứ ba, ý kiến tư vấn của Ủy ban khẩn cấp - trong trường hợp này, vẫn chưa đạt được sự đồng thuận.
Thứ tư, các nguyên tắc khoa học, bằng chứng và các thông tin liên quan khác - hiện vẫn chưa đủ và để lại cho chúng ta nhiều ẩn số.
Thứ năm, rủi ro đối với sức khỏe con người, sự lan truyền quốc tế và khả năng gây nhiễu cho giao thông quốc tế.
Tiến sĩ Tedros cũng xét đến các đánh giá tổng quan hơn của WHO. Tổ chức này nhận thấy nguy cơ của dịch bệnh đậu mùa khỉ là ở mức trung bình trên toàn cầu, ngoại trừ khu vực châu Âu được đánh giá là nguy cơ cao. Dịch bệnh cũng có nguy cơ lan rộng ra quốc tế hơn nữa, mặc dù nguy cơ ảnh hưởng đến giao thông quốc tế hiện tại vẫn ở mức thấp.
Tuy nhiên, quan trọng hơn, ông nói: "Tóm lại, chúng ta có một đợt bùng phát lan nhanh khắp thế giới, thông qua các phương thức lây truyền mới mà chúng ta hiểu quá ít và đã đáp ứng các tiêu chí trong Quy định Y tế Quốc tế".
Vì vậy, tiến sĩ Tedros đã đại diện WHO tuyên bố đậu mùa khỉ là một PHEIC. Đây là lần thứ 7 trong lịch sử một PHEIC được tuyên bố, sau cúm đại dịch H1N1 (năm 2009), hai lần Ebola (2013-2015 ở Tây Phi, 2018-2020 ở Congo), bại liệt (2014 cho đến nay), Zika (2016) và Covid-19 (2020 cho đến nay).
Sau 1 tháng, số ca tăng hơn 5 lần
WHO cho biết vào thời điểm cuộc họp đầu tiên của Ủy ban khẩn cấp IHR về đậu mùa khỉ được triệu tập (25-6), tức mới gần 1 tháng trước, số ca đậu mùa khỉ toàn cầu là 3.040 trường hợp, trải rộng khắp 34 quốc gia.
Còn theo số liệu mới nhất được WHO công bố ngày 23-7, số ca toàn cầu hiện nay đã vượt lên hơn 16.000, ghi nhận ở 75 quốc gia.
Bình luận (0)