xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dè chừng "vết xe đổ" phương Tây

ĐỖ QUYÊN

Nếu không cẩn thận, Bắc Kinh sẽ lặp lại "vết xe đổ" của Mỹ ở Pakistan - tiền bỏ ra không ít nhưng lại mang về nhiều hơn những cơn đau đầu

Được phát hiện từ những năm 1990, mỏ than với trữ lượng thuộc hàng lớn nhất thế giới nằm trong sa mạc Thar, cách TP Karachi - Pakistan khoảng 400 km về phía Tây, được giữ nguyên trạng cho tới cuối năm 2016, khi một dự án khai thác trị giá 3,5 tỉ USD do Trung Quốc (TQ) tài trợ ra đời.

"Hạ độc" không khí

Gói đầu tư chỉ là một phần của kế hoạch năng lượng lớn hơn cho Pakistan, gồm 7 nhà máy điện than mới. Nếu kế hoạch đúng tiến độ, tới năm 2020, 24% năng lượng của Pakistan sẽ được sản xuất từ than so với 0,1% hiện nay.

Giới chức Bộ Năng lượng và Nguồn nước Pakistan nói rằng các công ty TQ và đối tác của họ dự kiến chi 15 tỉ USD trong vòng 15 năm tới để xây dựng cả chục nhà máy điện ở nước này. Những dự án này chỉ là một phần của chương trình lớn hơn nhiều mang tên Hành lang Kinh tế TQ - Pakistan (CPEC) trị giá 54 tỉ USD.

Giữa lúc phần lớn các khoản đầu tư trên thế giới đang dồn vào năng lượng sạch và tái tạo, ngay cả TQ cũng đã bắt đầu chuyển sang hướng đi này ở trong nước, việc Pakistan tiếp nhận đầu tư của nền kinh tế số 2 thế giới cho các nhà máy điện than gây nhiều chỉ trích. Giới chuyên gia cho rằng những nhà máy gây ô nhiễm bậc nhất từng khiến Bắc Kinh phải trả giá đắt này sẽ "hạ độc" không khí Pakistan bằng khói mù nguy hiểm trong nhiều thập kỷ, làm trầm trọng thêm vấn đề sức khỏe cộng đồng vốn đã tồi tệ.


Dè chừng vết xe đổ phương Tây - Ảnh 1.

Nhà máy Điện than Sahiwal do Tập đoàn Trung Quốc Huaneng Shandong Ruyi đầu tư tại Pakistan Ảnh: BLOOMBERG

Mặt khác, các chuyên gia năng lượng và các nhà hoạt động môi trường chỉ ra rằng những nhà máy điện than không chỉ phí phạm tiền bạc mà còn hủy hoại hình ảnh Pakistan - vốn là một trong những quốc gia phát khí thải carbon thấp nhất thế giới. "Đóng góp" nhiều hơn vào tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu bằng sự dễ dãi "gật đầu" với những nhà máy điện than, gánh chịu hậu quả trước tiên cũng chính là Pakistan.

Nước này được coi là một trong những quốc gia bị tổn thương nhiều nhất vì tác động của biến đổi khí hậu, từ các đợt lũ lụt ngày càng chết chóc tới hạn hán trầm trọng hủy diệt mùa màng.

Không thể phủ nhận năng lượng đang là một trong những nhu cầu bức thiết nhất của Pakistan, khi mới chỉ có 67% trong số gần 200 triệu dân nước này được tiếp cận điện, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB). Thế nhưng, câu chuyện cân đo về "cái giá" của những khoản đầu tư từ TQ mà quốc gia Nam Á này đang phải đối mặt chưa bao giờ hết gây tranh cãi.

Lật sang một hướng nhìn khác, câu hỏi nổi lên là TQ sẽ nhận được gì từ gói đầu tư không nhỏ dành cho Pakistan? Theo Bloomberg, khi Chủ tịch TQ Tập Cận Bình thông báo sẽ "bơm" số tiền "khủng" cho Pakistan vào năm 2015, giới chức nước này có vẻ không mấy ngạc nhiên. Các lãnh đạo chính trị và quân sự của nước này từ lâu đã quen với những khoản viện trợ từ các nước lớn để giữ những bất ổn trong nước không vượt qua biên giới.

Bắt đầu "thấm đòn"

Ngoài đầu tư vào các nhà máy điện than, chương trình CPEC của TQ còn nhắm đến các dự án cầu cảng, đường sắt và hạ tầng đường bộ, kỳ vọng tạo ra một mạng lưới không chỉ kết nối đại lục với thị trường và các nhà cung cấp từ châu Âu tới Đông Nam Á mà còn thúc đẩy sự ổn định, phát triển tại các quốc gia liên quan. Thậm chí, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng hy vọng đầu tư từ TQ vào Pakistan có thể phần nào làm giảm bớt tình trạng phụ thuộc quá lớn vào nguồn tiền từ một bên (Mỹ) và giảm nhẹ sức ép đối với ngân sách nhằm phát triển kinh tế Pakistan.

Tuy nhiên, các nhà tài trợ Mỹ đã thấm thía hơn ai hết sự lạc quan mù quáng đó suốt nhiều thập kỷ qua. Nếu không cẩn thận, Bắc Kinh cũng sẽ lặp lại "vết xe đổ" của Mỹ ở Pakistan: Tiền bỏ ra không ít nhưng lại mang về nhiều hơn những cơn đau đầu.

Tất nhiên, lợi ích với TQ từ hành lang kinh tế này không khó để nhận ra, trong đó đáng kể nhất là việc phần nào tránh được "thế tiến thoái lưỡng nan tại Malacca". 80% lượng dầu mỏ cũng như các giao dịch thương mại của TQ vốn đi qua eo biển Malacca. Thế nên, hậu quả sẽ cực kỳ đáng ngại với nền kinh tế số 2 thế giới nếu Mỹ hoặc Ấn Độ tiến hành phong tỏa eo biển này. Mở đường cho dầu mỏ và hàng hóa qua cảng biển mới tại Gwadar, thuộc tỉnh Balochistan - Pakistan, sau đó cập cảng tại tỉnh Tân Cương rõ ràng sẽ giúp Bắc Kinh giảm thiểu phụ thuộc vào Malacca.

Các nhà phân tích TQ cho rằng tiến trình đó sẽ giúp cải thiện kinh tế Pakistan, dẫn đến ổn định tình hình chính trị rối ren của nước này.

Theo Bloomberg, lập luận nêu trên có vẻ đã bỏ qua vài bài học trong quá khứ. Trước hết, đừng xem nhẹ vấn đề chính trị của Pakistan. Thực tế, TQ cũng đã bắt đầu "thấm đòn" khi chương trình CPEC đang vấp phải rắc rối vì kèn cựa nội bộ của Pakistan. Các lãnh đạo tỉnh Balochistan, nơi từng xảy ra 5 lần nổi dậy đòi độc lập khỏi Pakistan, khiếu nại các công trình của CPEC lẽ ra phải chạy qua địa phận tỉnh này và tỉnh Khyber Pakhtunkhwa kế bên như kế hoạch ban đầu.

Thế nhưng, hiện trạng lại cho thấy dường như nó hầu như chỉ mang lợi ích cho các tỉnh giàu có hơn ở phía Đông. Họ cho rằng lộ trình dự án đã được bẻ cong để vun vén cho những tỉnh có "dây mơ, rễ má" với lãnh đạo cấp cao của chính quyền. Chạy trốn khỏi cơn "đau đầu" này, tập trung hơn vào đối tác là quân đội Pakistan đang là một cân nhắc của các nhà đầu tư TQ.

Thế nhưng, hãy lưu ý tới bài học thứ hai: Cảnh giác với quân đội Pakistan. Nhiều nhà tài trợ Mỹ đã quá quen thuộc với kịch bản mà các nhà đầu tư "chân ướt , chân ráo" của TQ đang rơi vào như nêu trên. Tiền nước ngoài đổ vào Pakistan hàng thập kỷ qua với mục tiêu phát triển kinh tế và ổn định chính trị nhưng cuối cùng lại dùng để phát triển sức mạnh quân sự.

Không hiểu nổi!

Lãnh đạo Hiệp hội Năng lượng Thay thế và Tái tạo Pakistan, ông Ahmad Shah, ngao ngán: "Chúng tôi không hiểu được tại sao chính phủ lại lao vào các nhà máy điện than hủy hoại môi trường trong khi nước nhà có khả năng sản xuất hàng triệu tấn megawatt năng lượng mặt trời, điện gió và thủy điện". Theo vị này, thậm chí những nước giàu dầu mỏ như Ả Rập Saudi cũng đang dần chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 30-7

Kỳ tới: "Bom nổ chậm" đe dọa Trung Quốc

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo