Georgia đã chuyển sang tấn công Nam Ossetia sau nhiều tuần lễ tăng cường phong tỏa, sau những đợt bắn phá nhiều giờ liền từ phía tỉnh ly khai được Nga hậu thuẫn và có những dấu hiệu tấn công quy mô lớn của quân đội Nga.
Va phải sức mạnh
Các lực lượng vũ trang Georgia, với quân số 18.000 người, hiện là tổ chức quân sự được huấn luyện và trang bị tốt nhất ở vùng Caucasus nhưng chiến thắng những tay súng ô hợp ở Nam Ossetia nhỏ bé, nơi dân số chỉ 70.000 người, là một điều hoàn toàn khác hẳn với việc đối chọi với nước Nga 150 triệu người.
Kremlin đã điều chỉnh chiến cuộc một cách quyết liệt. Theo báo chí phương Tây, Nga cho máy bay tấn công các mục tiêu ở Georgia, đồng thời tăng cường lực lượng ngày càng mới. Và dần dần cả bộ máy tuyên truyền của Kremlin cũng tăng tốc. Các website trên Internet của Georgia không hoạt động rõ ràng là hậu quả của cuộc tấn công trên mạng.
Bởi vì đây là cuộc chiến tranh thông tin, kẻ chiến thắng trong cuộc xung đột tuyệt nhiên không phải do kết cục của trận chiến hai bên bắn nhau quy định nên. Nga miêu tả Georgia là một kẻ xâm lược, một đất nước không thể dự báo trước điều gì, nơi mà các luận cứ của lý trí không có tác dụng, một đất nước có ý định dùng súng đạn và thanh lọc sắc tộc để khôi phục quyền hành của mình trên một tỉnh không thần phục. Thật dễ hiểu khi phương Tây hoàn toàn không muốn ủng hộ một đất nước như thế.
Dư luận quốc tế cho rằng Tổng thống Saakashvili không hề muốn chiến tranh với Nga. Ảnh: REUTERS |
Trong khi đó, có cảm tưởng như Nga sẽ đạt được điều đó. Từ lâu, các nhà lãnh đạo phương Tây đã có những mối nghi ngờ mơ hồ đối với luật sư Mikhail Saakashvili, người từng học ở Mỹ và năm 2005 đã được cuộc cách mạng hoa hồng đưa lên nắm chính quyền. Theo The Times, những người ủng hộ Tổng thống Georgia nhìn thấy nơi ông vẻ đáng mến và trí thông minh, còn những người chống đối ông lại nhận thấy sự cứng đầu và tính nết bất thường.
Sai lầm về chiến lược
Tuy nhiên, phương Tây đang bất đồng và dao động. Dĩ nhiên, Mỹ sẽ nổi giận nếu như thông tin máy bay quân sự Nga ném bom sân bay, nơi đang có mặt các cố vấn quân sự của Lầu Năm Góc, là sự thật. Thế nhưng, lẽ nào vì Georgia, ai đó lại dám tung tin vịt để kích động chiến tranh thế giới thứ ba? Ở châu Âu, các đồng minh của Georgia về cơ bản là những nước không lớn lắm, như Litva chẳng hạn. Những nước này đã nhiều lần nhường bước về tầm ảnh hưởng trước các quốc gia đánh giá sự ủng hộ mối quan hệ tốt đẹp với Nga là điều tốt nhất trên thế giới này, trong số đó có Đức. Do đó, Nga hoàn toàn sẵn sàng đập càng mạnh càng tốt để đè bẹp nước láng giềng vốn được phương Tây nâng niu và truyền bá tư tưởng của họ.
Càng ngày càng có cảm tưởng Georgia đã rơi vào cái bẫy được giăng sẵn. Kịch bản ở đây thật đơn giản: Đầu tiên là khiêu khích; sau đó chờ đợi phản ứng; rồi đáp trả bằng sức mạnh quân sự vượt trội gấp nhiều lần và hạ thấp uy tín về ngoại giao. Thật phi lý nếu như ai đó có ý nghĩ rằng Georgia muốn cuộc chiến tranh này. Khôi phục quyền kiểm soát Nam Ossetia và hạ bệ những nhà lãnh đạo nước cộng hòa ly khai này vốn được Nga ủng hộ nhiều năm vẫn còn là ưu tiên chủ yếu của nhà lãnh đạo Georgia. Tuy nhiên, chẳng một ai nghĩ rằng có thể đạt được điều đó bằng các phương tiện quân sự. Chiến lược trước đây của Georgia là sử dụng sức mạnh mềm dẻo. Nó nêu bật sự no ấm về vật chất của người dân và thành công của ông Saakashvili trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Điều đó trái ngược với tình trạng cô lập và tư tưởng gia đình chủ nghĩa của Nam Ossetia.
Nhưng, lúc này đây, chiến lược đó chỉ còn lại cái vỏ bọc. Với tình hình hiện nay, Georgia sẽ bị đánh không phải vì Nam Ossetia, thậm chí không phải là để ngăn chặn sự xâm lược mà đơn giản là để đánh đuổi. Chẳng có triển vọng tốt đẹp nào cả. Georgia không giành được chiến thắng quân sự nhanh chóng. Điều chính yếu là Georgia đã không phong tỏa được đường hầm Roksky dưới dãy núi Caucasus.
Sự lo ngại của phương Tây Tờ The Times của Anh nhận xét: Georgia không phải là nơi lý tưởng, nhưng đây cũng không phải là một đất nước độc tài. Các nhà lãnh đạo Georgia không vung vẩy hệ tư tưởng giả dối. Georgia là một xã hội công dân phồn thịnh, đó là sự đối lập tích cực, là một nhà nước khao khát cháy bỏng được đứng trong hàng ngũ Liên hiệp châu Âu và NATO. Có lẽ ở Georgia chỉ không đủ một điều, đó là những cơ sở để ủng hộ nước này chống lại thế lực Nga. Thế nhưng, nơi đây lại có được những quyền lợi quan trọng của phương Tây. Mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với phương Tây là từ phía Nga. Đó là sự độc quyền các lộ trình xuất khẩu năng lượng từ các nước thuộc Liên Xô cũ. Lỗ thủng duy nhất ở bức tường dầu mỏ này là đường ống dẫn khí đốt đi từ đất nước giàu có nguồn năng lượng Azerbaijan đến Thổ Nhĩ Kỳ và nó đi ngang qua Georgia. Nếu như Georgia sụp đổ, cả niềm hy vọng của châu Âu về tình trạng thoát khỏi sự phụ thuộc năng lượng vào Nga cũng sẽ tiêu tan theo. |
Bình luận (0)