“Tôi không biết việc mình làm có đúng hay không nhưng đây là cách duy nhất” - Satoshi Uematsu, 26 tuổi, đã viết như vậy trên tài khoản Twitter trước khi đâm chết 19 người khuyết tật ở ngoại ô Tokyo - Nhật Bản.
“Cái chết êm ái”
Vụ việc xảy ra hôm 26-7 tại thôn Sagamihara, huyện Kanagawa - cách Tokyo 40 km, đã trở thành vụ giết người tập thể tồi tệ nhất ở Nhật sau thế chiến thứ 2 do một cá nhân gây ra. Hiện trường gây án là Tsukui Yamayuri-en, một cơ sở chăm sóc người khuyết tật về thể chất và tâm thần trong thôn. Đây là nơi tá túc của 149 người tuổi từ 18 đến 75.
Satoshi Uematsu bắt đầu thực hiện hành động điên rồ của mình lúc 2 giờ 10 phút. Gã dùng búa đập bể cửa kính ở lầu 1 rồi chui vào trong, cầm các loại dao làm bếp đâm chém chết 9 phụ nữ, 10 người đàn ông khi họ đang ngủ và làm 26 người khác bị thương trong vòng 50 phút. Các nạn nhân trong độ tuổi từ 18 đến 70. Gây án xong, Satoshi mang hung khí còn dính máu đến đồn cảnh sát đầu thú.
Satoshi không phải là người xa lạ ở Tsukui Yamayuri-en. Gã sinh viên này từng làm việc tại đây hơn 3 năm. Khi phỏng vấn tuyển dụng, người ta không phát hiện điều gì bất thường ở Satoshi. Tuy nhiên, sau đó, các nhân viên báo cáo gã có một số phát biểu kỳ lạ, như: “Anh có nghĩ rằng những người khuyết tật sống vô nghĩa không?” hoặc nhếch miệng cười hỏi bâng quơ đồng nghiệp: “Bạn có thấy rằng những người khuyết tật nên chết đi thì hơn không?”…
Chân dung Satoshi Uematsu (Ảnh từ Facebook)
Đỉnh điểm câu chuyện quái lạ này là vào ngày 15-2. Satoshi viết một tâm thư gửi đến nhà ông Tadamori Oshima, Chủ tịch Hạ viện Nhật, ở quận Chiyoda, Tokyo trình bày mong muốn “đem lại cái chết êm ái cho những người khuyết tật” vì làm như vậy sẽ giảm nỗi bất hạnh của họ xuống đến mức thấp nhất. Gã cam kết sẽ “xóa” nhanh 470 người khuyết tật, không đụng đến nhân viên.
Satoshi còn yêu cầu ông Oshima chuyển lá thư đến Thủ tướng Nhật với hy vọng chính phủ sẽ hợp thức hóa “cái chết êm ái” có sự đồng thuận của thân nhân ngõ hầu “phục hồi kinh tế Nhật Bản và có thể ngăn chặn được thế chiến thứ III”. Cũng vì lá thư này, ngày 19-2, gã bị đưa vào bệnh viện tâm thần chữa bệnh 22 ngày.
Vô cùng “khó chơi”, khó phòng ngừa
Một kẻ giết người tập thể hành động một mình nhân danh lý tưởng chính trị nhưng không thuộc tổ chức nào được gọi là khủng bố “sói đơn độc”. Satoshi không thuộc dạng này. Gã không quan hệ với bất cứ tổ chức khủng bố nào. Đơn giản, Satoshi hành động vì một ý tưởng mà gã cho rằng ưu việt nhưng không thể phân biệt đâu là thực tế và đâu là sự hoang tưởng.
Đây là trường hợp giết người vì bị rối loạn thần kinh điển hình. Theo các nhà khoa học thuộc Hiệp hội Tâm lý Mỹ (APA), đây không phải là hiện tượng mới lạ nhưng ngày càng nhiều với sự phổ biến của những trang mạng xã hội khiến các cơ quan an ninh toàn cầu gặp rất nhiều khó khăn trong việc phòng chống tội phạm loại này.
Trước Satoshi, từng có một số vụ án giết người tập thể do “sói đơn độc” bị loạn thần gây ra. Năm 2001, một cựu quản gia trường học dùng dao làm bếp đâm chết 8 học sinh và làm bị thương 13 em khác. Hung thủ tên Mamoru Takuma khai với điều tra viên cảnh sát rằng hắn “chán đời muốn chết” nhưng không thích bỏ mạng một mình mà muốn nhiều người chết theo. Takuma sau đó được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần và bị xử tử năm 2014.
Tomohiro Kato, 25 tuổi, cũng là trường hợp tương tự. Tháng 6-2008, y lái xe tải cán chết 7 người đi mua sắm ở khu phố bán hàng điện tử Akihabara nổi tiếng ở Tokyo. Sau đó, Kato nhảy xuống xe, dùng dao rượt đâm người đi bộ. Chi tiết cuộc tấn công này đã được y đưa lên mạng trước khi hành động nhưng không được ngăn chặn kịp thời.
Trong những lá thư gửi các nạn nhân sống sót, Kato giải thích do bị xâm hại tình dục lúc còn bé, do áp lực học hành khi mài đũng quần trên ghế nhà trường và do thất bại liên tục trong cuộc sống mà y muốn trả thù đời. Kato đã trả giá cho cơn loạn thần của mình bằng một bản án tử hình.
Đối phó “sói đơn độc” loạn thần đã khó, với những tên khủng bố “sói đơn độc” có tiền sử mắc bệnh tâm thần càng khó hơn gấp bội. Theo APA, đây là những đối tượng vô cùng “khó chơi” và rất khó phòng ngừa. Các tổ chức khủng bố quốc tế như ISIS đang cổ xúy mạnh mẽ loại sát thủ này bằng những phương thức tuyên truyền biến hóa tinh vi.
Khảo sát 119 vụ giết người tập thể do “sói đơn độc” gây ra (gọi là nhóm 1), đối chiếu với một số vụ tương tự mà thủ phạm là các nhóm khủng bố trên toàn thế giới (gọi là nhóm 2), APA phát hiện tỉ lệ mắc bệnh tâm thần ở nhóm 1 cao hơn nhóm 2 đến 13,49%.
Tóm lại, những tên khủng bố hành động đơn độc có tiền sử mắc bệnh tâm thần nguy hiểm gấp nhiều lần so với kẻ khủng bố thông thường. Omar Mateen - kẻ xả súng giết chết 49 người và làm bị thương 53 người tại hộp đêm Pulse của người đồng tính ở TP Orlando, bang Florida ngày 12-6 vừa qua - là một ví dụ mới nhất ở Mỹ.
Vấn đề ở đây là việc theo dõi đối tượng loại này lâu nay không chặt chẽ do các cơ quan an ninh chưa chú trọng đúng mức đến yếu tố tâm thần nên không thể ngăn chặn hiệu quả.
Tự dán nhãn ISIS
Sát thủ “sói đơn độc” Omar Mateen, 29 tuổi, là một trường hợp khá phức tạp. Người đàn ông Mỹ gốc Afghanistan này là kẻ đồng tính, một khách hàng thân thiết của hộp đêm Pulse. Trong lúc hành động, hắn tự xưng là chiến binh thánh chiến của ISIS. Vụ thảm sát kết thúc, ISIS cũng tự nhận trách nhiệm.
Vì Omar bị cảnh sát bắn chết trong lúc hành sự, động cơ gây án của hắn gây không ít tranh cãi trong giới chuyên gia tâm lý và chống khủng bố. Cuộc điều tra sau này cho biết chuyện Omar tự xưng là người của ISIS không đúng sự thật. Hầu hết các giả thuyết đều nghiêng về trả thù cá nhân, trong đó có yếu tố rối loạn tâm thần. Chuyện hắn dựa hơi ISIS chỉ nhằm thu hút nhiều người hơn trong bối cảnh nước Mỹ canh cánh lo sợ khủng bố kiểu tổ chức này.
Kỳ tới: “Bệnh” đã di căn
Bình luận (0)