Phóng viên Simon Ostrovsky của kênh truyền hình Vice News (Mỹ) đã tiếp xúc với cô gái ấy khi sang quận Akihabara ở thủ đô Tokyo để tìm hiểu về nạn bóc lột tình dục thiếu nữ.
Cuộc trò chuyện được ghi lại trong bộ phim tài liệu ngắn mang tựa đề “Schoolgirls for Sale in Japan” (tạm dịch là Rao bán nữ sinh ở Nhật Bản). Ông mau chóng phát hiện sự thật rằng nhiều thiếu nữ ở Akihabara sẵn sàng cho “thuê” thân xác trong nhiều dịch vụ khác nhau như xem bói, massage hay tung tăng cùng khách hàng.
Cô gái kể với phóng viên Simon rằng cô bắt đầu hẹn hò với những người đàn ông lớn tuổi từ lúc 16 tuổi. Nguyên cớ đẩy đưa cô dấn thân vào chuyện này là vì mẹ bệnh nặng và cảnh nhà cơm không lành canh chẳng ngọt. “Tôi cảm thấy mình chẳng thuộc về nơi nào. Tôi đã làm công việc phát tờ rơi ở Akihabara hầu mong quên đi cuộc sống thường nhật” - cô hồi tưởng.
Phóng viên Simon giải thích việc các cô gái trẻ đi phát tờ rơi trên đường thực ra chỉ để “khách hàng tiềm năng xem hàng”. Sự thể không dừng lại ở những cuộc hẹn hò. Cô gái trẻ bắt đầu nhận được vô số lời gạ gẫm và sa vào con đường đổi tình lấy tiền khi chưa đầy 18 tuổi. Đến chính cô cũng chẳng thể kiểm soát: “Tình thế thay đổi quá nhanh và có nhiều điều lạ lùng đã xảy ra”.
Theo báo The Daily Mail (Anh), ở Nhật Bản, việc đàn ông luống tuổi trả tiền để hẹn hò các thiếu nữ bắt đầu từ những năm 1990 và tiếp diễn đến ngày nay. Đến năm ngoái, kiểu hẹn hò này thu hút sự chú ý khi xuất hiện trong báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ về hoạt động buôn người. Chính quyền Mỹ xem đây là bình phong cho việc kinh doanh mại dâm dưới trướng các băng nhóm tội phạm.
Ông Simon kể khi ông và đồng nghiệp thử ghi hình các thiếu nữ phát tờ rơi ở Akihabara, họ đều bị ngăn cản. “Một gã đàn ông, tôi nghĩ là kẻ dắt gái, nói rằng chúng tôi không thể ghi hình vì đó là các bé gái” - ông Simon cho biết.
Jake Adelstein, một nhà báo Mỹ thường xuyên đưa tin về các vụ phạm tội ở Nhật Bản, xác nhận “không chỉ một băng nhóm” hưởng lợi từ hoạt động trên. Trong khi đó, nhà báo Simon lưu ý dù có một trụ sở cảnh sát lớn ở cách đó một khu nhà song việc “kinh doanh” ở Akihabara vẫn diễn ra công khai.
Trên thực tế, không phải ai cũng chấp nhận hiện tượng này. Điển hình là Yumeno Nito, một trong vài người bênh vực các cô gái, thường xuyên tuần tra vào ban đêm để giúp đỡ. Cô đã cứu được khoảng 100 cô bé và mỗi tuần vẫn nhận được hàng chục lời cầu cứu. Hồi còn trẻ, Yumeno cũng bị mồi chài nhưng may mắn không sa chân. “Nhiều bạn gái của tôi bị tổn thương và cuối cùng phải tự tử. Vấn đề ở đây là các cô bé thường bị kết tội là tự bán thân” - cô nói.
Bình luận (0)