Hãng tin AP dẫn lời một quan chức Liên minh châu Âu (EU) cho biết hội nghị thượng đỉnh khu vực đồng euro (Eurozone) diễn ra hôm 18-6 đã thất bại trong việc tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp. Ngay sau đó, tiền mặt ào ạt chảy ra khỏi các ngân hàng của quốc gia này, nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào trong quá khứ.
Tổng cộng 3/194 tỉ USD đã được các chủ thẻ thu hồi, chiếm 1,5 % số tiền mà các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp tích trữ trong ngân hàng Hy Lạp.
Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis lên tiếng cảnh báo: “Chúng tôi đang tiến gần tới trạng thái chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Nhưng tôi động viên các đồng nghiệp không nên suy nghĩ tiêu cực như vậy”.
Athens hiện rất cần một thỏa thuận với 3 chủ nợ lớn nhất của mình, bao gồm EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để giải ngân 10,5 tỉ USD trong gói cứu trợ tài chính nhằm thanh toán các khoản nợ và tránh bị vỡ nợ trước thời hạn 30-6 tới.
Tuy nhiên, chính quyền Thủ tướng Alexis Tsipras không đồng ý điều khoản chủ chốt, trong đó yêu cầu nước này phải thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” và cắt giảm cả lương hưu do 3 chủ nợ đề ra, khiến các cuộc đàm phán kéo dài 5 tháng qua luôn rơi vào bế tắc.
Ông Tsipras từng cho rằng nếu Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng euro, đó sẽ là “khởi đầu cho sự kết thúc của Eurozone”. Trong khi ông vẫn tỏ ra lạc quan sau các cuộc đàm phán thì Thủ tướng Đức Angela Merkel và Bộ trưởng Tài chính Anh George Osbourne đều nhận định khả năng Hy Lạp ra khỏi khối chiếm tỉ lệ rất cao.
Hôm 18-6, Ngân hàng Trung ương Hy Lạp cảnh báo đất nước đang trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng “không thể kiểm soát” nếu các nhà lãnh đạo không đạt được thỏa thuận cuối cùng. Nhiều người lo ngại nền kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng và lây lan sang các nước châu Âu như Tây Ban Nha, Ý, Bồ Đào Nha…, đồng thời tác động đến thị trường tài chính thế giới.
Bình luận (0)