Sau 2 ngày tranh luận căng thẳng, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua các biện pháp khắc khổ mới vào rạng sáng 18-7 (giờ địa phương) để đổi lấy việc được giải ngân khoản vay mới trị giá 6,8 tỉ euro trong gói cứu trợ chống khủng hoảng của Liên hiệp châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Theo hãng tin AP, sự chia rẽ sâu sắc đối với các biện pháp trên được thể hiện rõ thông qua kết quả bỏ phiếu khi chỉ có 153/300 nghị sĩ ủng hộ.
Theo những biện pháp được đề xuất, hàng ngàn công nhân viên, trong đó có giáo viên và cảnh sát đô thị, sẽ có 8 tháng để tìm việc mới hoặc chấp nhận những công việc được bố trí, nếu không sẽ bị mất việc. Dự kiến, khoảng 4.200 công nhân viên chức phải được bố trí lại vào cuối tháng 7 này.
Tính tổng cộng, từ nay đến cuối năm, Hy Lạp phải điều chuyển, bố trí lại công việc cho 25.000 công nhân viên chức và sa thải 4.000 người khác. Dự luật vừa được thông qua còn điều chỉnh một phần hệ thống thuế, trong đó có việc áp dụng tiêu chí mới cho mức thu nhập phải đóng thuế.
Bên ngoài tòa nhà quốc hội ở thủ đô Athens, hàng ngàn người đã biểu tình phản đối trong ôn hòa với những biểu ngữ đòi sa thải toàn bộ chính phủ và gọi họ là “những kẻ phản bội”. Cũng với tâm trạng này, Đảng Syriza đối lập gọi những biện pháp trên là “hy sinh nhân mạng”, đồng thời cáo buộc những nhà cho vay mang động cơ “thù hận” khi đặt ra chúng. Trước đó, một cuộc tổng đình công đã được tiến hành trong ngày 16-7 để phản đối các biện pháp khắc khổ mới.
Cuộc bỏ phiếu trên là đợt sát hạch lớn đầu tiên của Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras kể từ khi một đảng cánh tả rời khỏi liên minh cầm quyền vào tháng rồi. Biện hộ cho những biện pháp trên, ông Samaras trấn an: “Những ngày tốt đẹp hơn sẽ đến với người dân chúng ta”. Bộ trưởng Tài chính Yannis Stournaras thì nhấn mạnh kinh tế Hy Lạp đang trên đường hồi phục bất chấp tỉ lệ thất nghiệp lên đến 27%.
Tình hình tại Athens có thể thêm căng thẳng khi Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble hôm 18-7 có chuyến thăm hiếm hoi đến đây để bàn về chương trình cho vay đến 100 triệu euro cho các doanh nghiệp nhỏ ở Hy Lạp. Hơn 4.000 cảnh sát đã được triển khai để bảo đảm an ninh cho chuyến thăm trong lúc các cuộc biểu tình bị cấm. Không ít người Hy Lạp chỉ trích ông Schaeuble là kẻ cầm đầu thúc ép nước này tiến hành những biện pháp cắt giảm đau thương để đổi lấy tiền cứu trợ.
Bình luận (0)