Báo South China Morning Post (SCMP) ngày 15-6 đưa tin Indonesia bắt đầu hiện đại hóa các lực lượng phòng thủ của mình bằng cách đặt hàng 8 tàu khu trục từ Ý.
Động thái này diễn ra gần 2 tháng sau khi tàu ngầm KRI Nanggala bị chìm ngoài khơi đảo Bali trong lúc huấn luyện và Trung Quốc tăng cường hoạt động gần quần đảo Natuna.
Theo giới phân tích, thoả thuận tàu khu trục với Ý nêu bật mối lo ngại của Jakarta sau khi bị các tàu của Bắc Kinh "xâm phạm lãnh hải".
Một tàu hải quân Indonesia rời đi để giải cứu tàu ngầm Kri Nanggala bị chìm. Ảnh: Tân Hoa Xã
SCMP dẫn một tài liệu bị rò rỉ tiết lộ Bộ Quốc phòng Indonesia dự kiến đề xuất ngân sách 124 tỉ USD, được phân chia trong 5 năm. Con số này gấp 3 lần so với 5 năm trước đó (38,8 tỉ USD).
Đồng thời, trang web của Công ty đóng tàu Fincantieri (Ý) xác nhận Jakarta đã ký hợp đồng mua 6 tàu khu trục đa năng FREMM mới và 2 tàu khu trục MaStrale đã qua sử dụng của Ý. Hai tàu MaStrale sẽ được bàn giao sau khi hải quân Ý cho chúng "nghỉ hưu".
"Thỏa thuận nhấn mạnh tầm quan trọng nhằm củng cố sự hợp tác giữa 2 quốc gia trong khu vực chiến lược Thái Bình Dương" - Fincantieri tuyên bố.
Nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu chính trị thuộc Viện Khoa học Indonesia, ông Muhamad Haripin, bình luận: "Thỏa thuận tàu khu trục cho thấy các nước châu Âu đang tăng cường can dự vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Các nước châu Âu ngày càng hưởng ứng các chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Joe Biden, chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực".
Theo ông Haripin, Indonesia đang cần nhiều tàu tuần tra hơn để giám sát bờ biển dài 54.000 km và vùng biển rộng lớn.
"Indonesia lo ngại về sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Họ nhận ra rằng sự ganh đua giữa Trung Quốc và Mỹ có thể ảnh hưởng tới ổn định khu vực nhưng không muốn can dự trực tiếp" - ông Haripin nói.
Trung Quốc tuyên bố có quyền đánh bắt cá ở vùng biển Bắc Natuna và điều các tàu đánh cá, tuần duyên đến khu vực nhưng bị Indonesia phản đối.
Bình luận (0)