Theo Reuters, các quan chức nói trên lập luận rằng chính sách phá huỷ tàu đánh cá nước ngoài bất hợp pháp có thể làm tổn thương các mối quan hệ ngoại giao cũng như ngành thủy sản của Indonesia.
Dưới thời Bộ trưởng Susi Pudjiastuti, nhà chức trách Indonesia đã phá hủy hàng trăm tàu đánh cá bất hợp pháp từ năm 2014 - trong đó có tàu Trung Quốc và Thái Lan – để bảo vệ nguồn cá và ngư dân trong nước.
Tuy nhiên, Phó Tổng thống Jusuf Kalla cho rằng chính sách này có thể làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Jakarta với các nước khác.
"Theo quan điểm của chính phủ, như vậy là đủ rồi. Điều này liên quan đến quan hệ của chúng tôi với các nước khác" – nhật báo Kompas dẫn lời người phát ngôn của ông Kalla cho biết.
Bộ trưởng Susi Pudjiastuti. Ảnh: REUTERS
Vào năm 2015, Trung Quốc đã bày tỏ "quan ngại sâu sắc" khi một trong những tàu đánh cá của nước này nằm trong số 41 tàu bị Indonesia phá huỷ.
Bộ Thương mại Indonesia hôm 9-1 phàn nàn về cách tiếp cận cũng như sự thiếu tập trung vào kế hoạch xây dựng chính sách đã làm tổn hại ngành công nghiệp thủy sản, khiến xuất khẩu giảm.
"Chúng tôi yêu cầu chính phủ phải quan tâm đến các khía cạnh sản xuất và tăng đầu tư vào lĩnh vực này" – quan chức thương mại Yugi Prayanto nói.
Trong khi đó, bà Pudjiastuti được xem là một trong những bộ trưởng có sức ảnh hưởng nhất ở Indonesia nhiều năm liền kể từ khi nhậm chức hồi năm 2014, chủ yếu nhờ cách tiếp cận cứng rắn nhằm giải quyết vấn đề đánh bắt cá bất hợp pháp.
Ngành công nghiệp đánh bắt cá của Indonesia đã chịu thiệt hại gần 200 tỉ rupiah (khoảng 14 triệu USD) mỗi năm vì nạn đánh bắt cá bất hợp pháp, theo bà Pudjiastuti.
Bình luận (0)