Mosul nằm cách thủ đô Baghdad khoảng 400 km về phía Bắc. Đây là thành trì quan trọng của IS và được chính phủ Iraq đặt mục tiêu chiếm lại sau khi đánh bật Nhà nước Hồi giáo khỏi thành phố phía Tây Ramadim, thủ phủ tỉnh Anbar.
Ông Zebari, một người Kurd, cho rằng nếu muốn chiếm lại Mosul, không thể không có sự tham gia của lực lượng Peshmerga của người Kurd. Lực lượng này đóng ở mặt Đông, Bắc và Tây TP Mosul, trong khi quân chính phủ chỉ nắm giữ mặt Nam.
Thành phố 2 triệu dân rơi vào tay IS từ tháng 6-2014 được cho là rất khó để chiếm lại vì phiến quân tại đây có đủ thời gian củng cố lực lượng. Hơn nữa, đây lại là thành trì chính nên quân số và trang bị của chúng đủ lớn để ngăn chặn các đợt tấn công từ bên ngoài.
Trong trường hợp cần thiết, Baghdad có thể phải nhờ cậy các bộ tộc Sunni địa phương và lực lượng người Shiite do Iran hậu thuẫn.
“Mosul khác Ramadi. Đó là một thành phố rộng lớn, đòi hỏi rất nhiều công sức… Cần phải diễn tập nhiều hơn, thêm trang thiết bị và cả sự kiên nhẫn” – Đại tá Quân đội Mỹ Steve Warren nhận xét.
Theo kênh truyền hình TV Rudaw, hồi tháng 9 qua, lãnh đạo người Kurd Massoud Barzani đã thảo luận kế hoạch giải phóng Mosul với Trung tướng Tom Beckett, cố vấn quốc phòng cấp cao của Anh.
Trong tháng 11, lực lượng Peshmerga được Mỹ hậu thuẫn đã đánh bật IS khỏi thị trấn Sinjar, phía Tây TP Mosul. Thị trấn này là nơi sinh sống chủ yếu của cộng đồng thiểu số Yazidi – kẻ thù của IS – và nằm trên cung đường dẫn tới TP Raqqa – thành trì của IS ở Syria.
Tuy nhiên, người Shiite và Sunni Ả Rập lo ngại rằng người Kurd có thể lợi dụng trận chiến ở Mosul để mở rộng lãnh thổ. “Sự tham gia của lực lượng Peshmerga là không thể tránh khỏi nhưng có thể làm phức tạp cuộc chiến ở Mosul” – chủ tịch Tổ chức Nghiên cứu Chiến lược Iraq (IGSS) Wathiq al-Hashimi nhận định.
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi hôm 26-12 tuyên bố Nhà nước Hồi giáo sẽ bị đánh bại vào năm 2016. “Chúng tôi đang đến để giải phóng Mosul và đó sẽ là đòn đánh chí tử cuối cùng dành cho IS. Mosul là nơi thủ lĩnh tối cao IS Abu Bakr al-Baghdadi thông báo sự ra đời của cái gọi là Vương quốc Hồi giáo” – ông Abadi nói trong bài phát biểu ca ngợi chiến thắng ở TP Ramadi.
Thủ tướng Abadi đến Ramadi bằng trực thăng và di chuyển trong thành phố bằng xe bọc thép Humvee cùng tỉnh trưởng Anbar và các quan chức an ninh hàng đầu. Ông còn cắm cờ Iraq mừng chiến thắng tại trung tâm Ramadi.
Tuy nhiên, 3 quả đạn cối "hạ cánh" cách vị trí ông Abadi khoảng 500 m khiến vị thủ tướng phải rời khu vực trên, theo 3 nguồn tin an ninh của Reuters. Hiện lực lượng Iraq phải tiếp tục tháo dỡ chất nổ cái trên đường phố và trong các tòa nhà cũng như truy quét phiến quân IS còn cố thủ ở một vài khu vực.
Bình luận (0)