xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

ISIL - nỗi ám ảnh của Iraq: Tham vọng điên cuồng

NGÔ SINH

Mục đích của ISIL là cuối cùng sẽ gộp Lebanon, Jordan, Israel, Nam Thổ Nhĩ Kỳ và Cyprus thành một nhà nước Hồi giáo lớn hơn

Không giống các tổ chức nổi dậy khác ở Syria, nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Cận Đông (ISIL) đang hướng đến xây dựng một tiểu vương quốc Hồi giáo nằm ở cả 2 bên biên giới Syria và Iraq. Nhà báo Michael Crowley ở tạp chí Time nhận định rằng khi các phần tử quá khích Hồi giáo nói muốn giết người Mỹ, họ sẽ tìm cách thực hiện điều đó. Khi các phần tử quá khích Hồi giáo nói muốn thành lập nhà nước Hồi giáo, họ sẽ tích cực làm việc này.

Theo ông, mục tiêu của ISIL chưa bao giờ “ngớ ngẩn”, chỉ sự cố tình phớt lờ của các chính khách Mỹ mới là ngớ ngẩn mà thôi.

Thách thức Al-Qaeda

Trên đường thực hiện tham vọng của mình, chỉ trong ngày 21-6, ISIL đã kiểm soát được 4 thị trấn ở miền Tây Iraq - bao gồm thị trấn chiến lược Al-Qaim ở biên giới với Syria và các thị trấn Rawa, Ana, Husaybah ở tỉnh Anbar. Cả 4 thị trấn này đều nằm dọc theo xa lộ chạy từ Syria đến Baghdad, làm gia tăng khả năng ISIL có thể từ miền Tây kéo về bao vây thủ đô Iraq.

Đặc biệt, Husaybah chỉ cách Baghdad 100 km. Trong khi đó, đài CNN cho biết các chiến binh ISIL từ Syria có thể đến ngoại ô Baghdad trong vòng chưa đầy 4 giờ.

Thoạt đầu là một phần tử không tiếng tăm trong giới khủng bố dù có học vị tiến sĩ lịch sử Hồi giáo, Abu Bakr al-Baghdadi ngày nay đã trở thành thủ lĩnh đáng sợ của ISIL. Baghdadi chính là hiện thân của sự tàn bạo, tính quyết đoán và tham vọng của ISIL.

Theo kênh Al Jazeera, không giống với Osama Bin Laden, Baghdadi đã chiến đấu theo cách của mình, từ một khởi đầu bình thường ở miền Bắc Iraq đến vai trò dẫn dắt lực lượng vũ trang không chính quy có lẽ là đáng sợ nhất khu vực Trung Đông.

 

Các lực lượng Iraq hiện không thể ngăn chặn được tham vọng của ISIL Ảnh: ALARABONLINE.PRG

Các lực lượng Iraq hiện không thể ngăn chặn được tham vọng của ISIL

Ảnh: ALARABONLINE.PRG

 

Chiến tích trên các chiến trường ở Syria và Iraq đã làm cho Baghdadi trở nên táo bạo hơn và y đã thách thức cả dàn đầu lĩnh của Al-Qaeda khi công khai lên án họ đi chệch đường hướng ban đầu và tuyên bố y mới thực sự là kẻ kế thừa di sản của Bin Laden.

Tháng 4 năm nay, ISIL đã bộc lộ rõ tham vọng của mình hơn bao giờ hết khi tuyên bố: “Al-Qaeda không còn là cơ sở của thánh chiến nữa… Vai trò lãnh đạo của Al-Qaeda đã trở thành cái búa đập vỡ dự án nhà nước Hồi giáo... Các thủ lĩnh Al-Qaeda đã đi chệch ra ngoài con đường đúng đắn”.

Những kẻ ủng hộ Baghdadi nói về y như một vị thủ lĩnh thế hệ mới hướng đến xây dựng nhà nước Hồi giáo mà Bin Laden đã mường tượng. Một chiến binh ISIL người Syria bày tỏ với phóng viên hãng Reuters: “Lãnh tụ Baghdadi và lãnh tụ Osama tương tự nhau. Họ luôn luôn nhìn về phía trước, cả hai vị đều tìm kiếm một nhà nước Hồi giáo”.

Một chiến binh khác quả quyết: “Tổ chức Al-Qaeda không tồn tại nữa. Nó được hình thành như một nền tảng cho nhà nước Hồi giáo và bây giờ, khi chúng ta đã có nó, Zawahiri (thủ lĩnh Al-Qaeda) cần phải hứa trung thành với lãnh tụ Baghdadi”.

Mở rộng mục tiêu

Không còn nghi ngờ gì nữa, sự vươn dậy của ISIL trong thời gian gần đây theo định hướng của Baghdadi đã biến ISIL thành một tổ chức xuyên quốc gia và tàn bạo. Baghdadi đã cho thấy y là một thủ lĩnh thánh chiến xuất sắc của thế kỷ XXI và chắc chắn là một kẻ cạnh tranh và đối thủ của thủ lĩnh Al-Qaeda Ayman al-Zawarhiri.

Baghdadi đã bị các lực lượng Mỹ bắt năm 2006 và giam ở trại Bucca, nhà tù chính của Mỹ ở Iraq sau xì-căng-đan tra tấn và đóng cửa nhà tù Abu Ghraib. Sau khi được trả tự do năm 2009, y đã nhanh chóng được thăng cấp và có một vị trí trong hội đồng cai quản của tổ chức trước khi trở thành thủ lĩnh năm 2010 sau khi Abu Omar al-Baghdadi tử trận. Có lẽ nuôi tham vọng từ lâu và chuẩn bị để thực hiện nó nên Baghdadi đã từng đóng vai trò then chốt trong việc “buôn lậu” chiến binh nước ngoài vào Iraq.

Cuộc nội chiến Syria nổ ra đã giúp ISIL và Baghdadi có cơ hội mở rộng mục tiêu của mình. Y cử phó tướng Abu Mohammed al-Joulani thành lập tổ chức Nusra Front và chiến đấu với chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad.

Năm 2013, 10 năm sau khi Mỹ xâm lược Iraq, Baghdadi phớt lờ tuyên bố của Zawahiri rằng sự sáp nhập với Nusra đã vô hiệu, đồng thời quyết định tham gia cuộc chiến tranh ở Syria, đổi tên tổ chức Al-Qaeda ở Iraq thành ISIL để phản ánh tham vọng mới: Lợi dụng tình trạng hỗn loạn của cuộc nội chiến Syria để thành lập một nhà nước Hồi giáo nằm trên biên giới Iraq - Syria.

ISIL hiện đang đối mặt với sức mạnh phòng thủ phối hợp của các lực lượng Iraq; còn ở Syria, ISIL có thể giữ vững những vùng lãnh thổ mà tổ chức cực đoan này chiếm được. Sau khi chuyển từ một tổ chức du kích thành một nhà nước bên trong 2 quốc gia, ISIL bộc lộ tham vọng lâu dài hơn là kết hợp các vùng đất Ả Rập đã được thực dân Anh và Pháp chia chác trong những ngày cuối cùng của thế chiến thứ I. Như tên gọi của mình, mục đích của ISIL là cuối cùng sẽ gộp Lebanon, Jordan, Israel, Nam Thổ Nhĩ Kỳ và Cyprus thành một nhà nước Hồi giáo lớn hơn.

Ông Fawaz Gerges, giáo sư bộ môn quan hệ quốc tế Trường Kinh tế London - Anh, nhận định trong khi chính phủ Iraq đang ở trong tình thế hoảng loạn, kẻ chiến thắng thực sự hiện nay ở nước này là ISIL, tổ chức cực đoan đang nổi lên là một lực lượng có uy lực ở Iraq. Ông cho biết: “Tình hình rất nghiêm trọng. ISIL kiểm soát gần 50% đất nước Iraq. Điều đó đem lại cho ISIL thanh thế, hấp dẫn giới trẻ thuộc giáo phái Sunni”.

 

Tham vọng vũ khí hóa học

ISIL hôm 19-6 đã chiếm cơ sở sản xuất vũ khí hóa học từ thời Saddam Hussein, giành được cơ hội tiếp cận với hàng trăm tấn chất độc chết người lâu nay không dùng đến, trong đó có hơi độc lò và khí độc sarin.

Vào những năm 1980 và 1990, cơ sở al-Muthanna, cách Baghdad 100 km về phía Bắc, là trung tâm phát triển chương trình vũ khí hóa học của chính quyền Saddam. Chính phủ Mỹ đánh giá việc ISIL nhanh chóng tiếp quản cơ sở này là một vấn đề đáng quan tâm. Theo báo The Daily Telegraph, ISIL đã bộc lộ tham vọng chiếm giữ và sử dụng vũ khí hóa học ở Syria. Trong khi đó, các chuyên gia cảnh báo tổ chức này có thể sử dụng loại vũ khí này ở Iraq.

 

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 22-6

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo