Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) hôm 19-1 công bố kinh tế nước này tăng trưởng 6,9% trong năm 2015, mức thấp nhất kể từ năm 1990. Riêng quý IV/2015, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2014.
Một năm “gập ghềnh”
Theo Reuters, kết quả trên càng làm gia tăng sức ép lên giới lãnh đạo Bắc Kinh trong việc khôi phục lại niềm tin của nhà đầu tư sau một loạt chính sách bị xem là sai lầm khiến thị trường toàn cầu chao đảo. Không còn đóng vai trò đầu tàu tăng trưởng của kinh tế thế giới, Trung Quốc giờ đây đối mặt không ít khó khăn - xuất khẩu suy yếu, dư thừa công suất, thị trường bất động sản trầm lắng, nợ đầm đìa… - khi tìm cách chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ dựa vào sản xuất, đầu tư hạ tầng, xuất khẩu sang dịch vụ và tiêu dùng.
“Tình hình trong năm 2016 sẽ không khác gì năm 2015 và tăng trưởng kinh tế Trung Quốc vẫn đối mặt tình hình quốc tế phức tạp, nhiều biến động” - ông Vương Bảo An, Tổng cục trưởng NBS, nói với các phóng viên.
Bi quan hơn, các nhà kinh tế học dự báo về một năm 2016 khó khăn hơn đang chờ đón Bắc Kinh. Chuyên gia Zhou Hao của Ngân hàng Commerzbank (Singapore) nhận định một loạt số liệu được công bố cho thấy sự yếu kém của kinh tế Trung Quốc và năm tới sẽ “gập ghềnh” cho nước này.
Trung Quốc ưu tiên giảm bớt số lượng căn hộ không bán được trong năm 2016. Ảnh: Reuters
Một số nhà phân tích được Reuters khảo sát ý kiến cho rằng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm còn 6,5% trong năm nay, ngay cả khi nước này đẩy mạnh chi tiêu và cắt giảm lãi suất. Riêng nhà kinh tế Zhao Yang của Tập đoàn Nomura (Nhật Bản) đưa ra con số 5,8%. Đối với một số nhà quan sát, những dự báo bi quan trên không gây ngạc nhiên bởi họ lâu nay không còn tin vào tính xác thực của những dữ liệu tăng trưởng mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới công bố.
Bất chấp dữ liệu kinh tế không khả quan nêu trên, các thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt tăng điểm hôm 19-1. Riêng các chỉ số CSI 300 và Shanghai Composite ở Trung Quốc lần lượt tăng 3% và 3,2% sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 13 tháng một ngày trước đó.
Rủi ro từ nhân dân tệ
Reuters bình luận diễn biến của thị trường chứng khoán phản ánh kỳ vọng của giới đầu tư rằng Trung Quốc sẽ tăng cường thực thi những biện pháp mới nhằm đảo ngược đà sụt giảm tăng trưởng, trong đó có nới lỏng tiền tệ hơn nữa (cắt giảm lãi suất và tỉ lệ dự trữ bắt buộc đối với ngân hàng…).
Thủ tướng Lý Khắc Cường vào tháng rồi tuyên bố Bắc Kinh sẽ mạnh tay loại bỏ những doanh nghiệp “thây ma” làm ăn thua lỗ trong nỗ lực giảm bớt tình trạng dư thừa công suất. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi những quyết định cứng rắn như cho phép thêm nhiều công ty phá sản và người lao động bị mất việc. Những ưu tiên hàng đầu khác trong năm 2016 là giảm bớt số lượng căn hộ không bán được, giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp và khuyến khích công nghệ mới.
Nhà kinh tế Tommy Xie của Ngân hàng OCBC (Singapore) nhận định sẽ có thêm những biện pháp kích thích kinh tế từ Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc (PBOC) nhưng sự ổn định của đồng nhân dân tệ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì tăng trưởng. “Đây là rủi ro mới mà Bắc Kinh đối mặt. Nếu nhân dân tệ tiếp tục yếu (có lợi cho nhà xuất khẩu trong nước), tình trạng biến động và dòng vốn chảy ra nước ngoài sẽ thêm tồi tệ, qua đó có thể trở thành thách thức không nhỏ đối với tăng trưởng” - ông Xie nhận định.
Ngoài ra, theo báo The Wall Street Journal (Mỹ), Bắc Kinh còn đối mặt một bài toán khó khác. Nếu giảm lãi suất, dòng vốn chạy khỏi Trung Quốc sẽ càng nhiều. Nếu làm ngược lại, không ít doanh nghiệp chìm trong nợ nần có nguy cơ phá sản, làm thất nghiệp gia tăng.
Thực trạng kinh tế Trung Quốc, cộng với sự sụt giảm của giá hàng hóa cơ bản, nhất là dầu, buộc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hôm 19-1 đưa ra dự báo mới là kinh tế thế giới sẽ lần lượt tăng 3,4% và 3,6% trong 2 năm 2016, 2017. Cả 2 con số này đều giảm 0,2% so với dự báo đưa ra hồi tháng 10-2015.
Riêng với Bắc Kinh, mức dự báo lần lượt là 6,3% và 6%. Theo IMF, sự tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc khiến nhu cầu đối với nhiều hàng hóa cơ bản sụt giảm, đe dọa tăng trưởng toàn cầu. Ngoài ra, kim ngạch xuất nhập khẩu thấp hơn kỳ vọng của Bắc Kinh gây sức ép lên những thị trường đang phát triển và nhà xuất khẩu hàng hóa khác.
Bình luận (0)