Ủy ban Cải cách dân chủ của nhân dân (PDRC) ở Thái Lan ngày 5-1 tổ chức cuộc tuần hành chống chính phủ ở trung tâm Bangkok, qua đó chính thức khởi động chiến dịch “Đóng cửa Bangkok” vào ngày 13-1. Đáp lại, chính phủ dọa áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để giữ an ninh trật tự.
Người phát ngôn Akanat Promphan cho biết PDRC cũng sẽ tổ chức những cuộc tuần hành tương tự vào các ngày 7 và 9-1. Ông Akanat nhấn mạnh các cuộc tuần hành nêu trên diễn ra với mục đích khuyến khích người dân tham gia sự kiện ngày 13-1 nhằm làm tê liệt các cơ quan chính phủ, gây sức ép đòi Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra và chính phủ của bà từ chức.
PDRC dọa sẽ chiếm giữ ít nhất 20 giao lộ chính để gây áp lực với Thủ tướng Yingluck và dọn đường cho việc thành lập hội đồng của nhân dân nhằm thực hiện cải cách chính trị.
Trước đó, ngày 4-1, Trung tâm Quản trị hòa bình và trật tự (CAPO) của chính phủ đã lên án kế hoạch đóng cửa thủ đô của PDRC. Ngoại trưởng tạm quyền Surapong Tovichakchaikul, giám đốc CAPO, khẳng định các lực lượng an ninh đã nhận lệnh chuẩn bị ứng phó cuộc biểu tình ngày 13-1. Hàng chục ngàn cảnh sát đang được huy động để đối phó với đợt biểu tình này.
Bên cạnh đó, ông Surapong kêu gọi dân chúng suy nghĩ thật kỹ trước khi gia nhập cuộc chống đối trên cũng như kiềm chế mọi hành vi làm tổn thương đất nước. Người đứng đầu CAPO nhấn mạnh rằng cuộc biểu tình sắp diễn ra không chỉ bất hợp pháp mà còn gây thiệt hại cho nền kinh tế. Bằng chứng là, theo báo Straits Times (Singapore), hãng hàng không Singapore Airlines đã hủy 19 chuyến bay đến Bangkok trong vài tuần tới do lo ngại căng thẳng chính trị tại đây.
Trong bối cảnh đó, bà Yingluck lặp lại lời kêu gọi nhân dân Thái ủng hộ cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 2-2. Trong thông điệp đăng trên trang mạng xã hội Facebook hôm 5-1, bà cho rằng các vấn đề ở nước này đã trở nên phức tạp hơn và không thể giải quyết trong một sớm một chiều.
Bà Yingluck tâm sự: “Tôi thừa nhận rằng cuộc bỏ phiếu đó không thể là một phương thuốc thần diệu trị bách bệnh nhưng đó là giải pháp tốt nhất cho các vấn đề hiện nay”. Theo bà, nếu không áp dụng phương pháp này, Thái Lan sẽ không có cách nào khác để thoát ra khỏi thế bế tắc bởi vì từ khi hạ viện bị giải tán, chính phủ không thể làm được gì để xử lý các vấn đề kinh tế.
Người dân muốn quân đội trung lập
Theo báo Bangkok Post, một cuộc thăm dò từ ngày 1 đến 4-1 cho thấy người dân nước này muốn quân đội trung thành với nhiệm vụ của mình và ở thế trung lập trong cuộc xung đột chính trị hiện nay. 45,93% người được hỏi cho biết họ muốn quân đội trung lập, không đứng về phe nào; 24,39% muốn quân đội bảo vệ đất nước và nền dân chủ; 13,82% yêu cầu quân đội không được là công cụ chính trị cho bất cứ nhóm nào; 11,38% muốn quân đội bênh vực nhân dân và trợ giúp trong khi họ gặp khó khăn hay đối mặt với thảm họa. Thêm vào đó, 38,15% cho rằng quân đội không nên dính líu đến chính trị hoặc bày tỏ quan điểm chính trị thiên vị.
Bình luận (0)