Đó là đơn vị Hercules, đặt dưới sự giám sát trực tiếp của Chánh ủy viên cảnh sát Raymond W. Kelly. Tổng hành dinh của lực lượng này nằm ở lầu 14, cao ốc 1 Police Plaza trong khu vực Manhattan hạ. Người được ông Kelly tin tưởng giao nhiệm vụ làm phó lãnh đạo Hercules là David Cohen, một cựu nhân viên CIA, vì trong công tác phòng chống khủng bố có rất nhiều việc liên quan đến chuyên ngành do thám, tình báo, thu thập, kiểm tra, phối kiểm thông tin.
Gọi Hercules là đơn vị siêu cảnh sát hoàn toàn đúng vì các chiến sĩ trong lực lượng này được tuyển chọn ra từ những cảnh sát viên tài ba nhất của toàn thành phố, vũ trang không thua gì lính bộ binh thiện chiến của quân lực Mỹ.
Ông Kelly từng là quan chức lãnh đạo của ngành hải quan Mỹ và đã có thời gian là ủy viên chấp hành của Cơ quan cảnh sát quốc tế (Interpol). Ngoài ra, ông cũng là chánh ủy viên cảnh sát duy nhất trong lịch sử NYPD leo lên từ cấp hạ sĩ quan cảnh sát. Khi xảy ra biến cố 11-9, NYPD chỉ có 17 sĩ quan và nhân viên cảnh sát phục vụ ở chuyên ban Đặc nhiệm phối hợp chống khủng bố JTTF (Joint Terrorist Task Force) - một hợp tác giữa FBI và NYPD. Nhưng chỉ một năm sau, ông Kelly đã tăng quân số JTTF lên 120 người, rồi ra lệnh thành lập một trung tâm phòng chống khủng bố (Counter Terrorism Center – CTC) trực chiến 24/24.
Đơn vị Hercules này hoạt động điều phối ứng chiến với nhánh do thám (Intelligence Division) và Văn phòng chống khủng bố (CTB) thuộc NYPD. Nếu như Hercules là cánh tay hành động thì CTB chính là bộ não chuyên phân tích tình hình và giám sát mọi nỗ lực phòng chống khủng bố tấn công.
Sau 2 lần là mục tiêu tấn công của tổ chức khủng bố Al-Qaeda (lần thứ nhất năm 1993, lần thứ hai năm 2001, đều đánh vào tháp đôi World Trade Center), New York đã rút được nhiều kinh nghiệm và trở thành “địa bàn” thử nghiệm các phương thức phòng chống khủng bố ở một đô thị lớn. Những gì New York đã học được và lập thành bài tập phòng chống đều trở thành “giáo án” cho lực lượng cảnh sát của nhiều thành phố khác ở Mỹ, từ Los Angeles đến Chicago, thủ đô liên bang Washington D.C và thành phố du lịch, giải trí Las Vegas học tập.
Cảnh sát ở nhiều nước, trong đó có Hà Lan và Singapore, cũng cử phái đoàn đến Mỹ học tập về các chiến thuật phòng chống khủng bố từ NYPD. “Rõ ràng là New York đi bước đầu ở lãnh vực này”, ông Brian Michael Jenkins, một chuyên gia về khủng bố ở công ty nghiên cứu chiến lược, chiến thuật Rand Corp nói.
Căng thẳng không thua gì phim
Trung tâm phòng chống khủng bố (CTC) nằm trong căn nhà một tầng xây bằng gạch đỏ ở một khu phố công nghiệp thuộc Brooklyn, cách Manhattan vài dặm. Nhìn bề ngoài, không ai có thể tưởng tượng ra được đây lại là một cơ sở trọng yếu trong nỗ lực bảo vệ an ninh cho siêu đô thị New York. Nhưng sau cánh cửa sắt dày - chỉ được mở ra sau khi có kết quả kiểm tra nghiêm ngặt dù rất âm thầm bằng hệ thống camera an ninh nội bộ, người ta nhận thấy được ngay sự khác biệt.
Không khí làm việc ở đây giống như bầu không khí khẩn trương, căng thẳng mà khán giả đã thấy trong bộ phim nhiều tập 24 giờ của Hãng Truyền hình Fox (đã chiếu trên màn ảnh nhỏ của TPHCM thời gian gần đây). Luôn túc trực trước các màn hình máy tính để thu thập, phân tích mọi nguồn tin là các thám tử cảnh sát mặc thường phục thuộc Nhóm phân tích đe dọa khủng bố (Terrorist Threat Aanalysis Group - TTAG) rải ở nhiều nơi trong thành phố.
Ở một phòng cạnh đó - có tên gọi Phòng tình báo toàn cầu - là các chuyên gia về tiếng Farsi, tiếng Ả Rập và tiếng Pashto ngày đêm theo dõi các địa chỉ chat nào được xem là điểm hội tụ các tay rao truyền thánh chiến chống thế giới phương Tây. “Khái niệm về một cơ sở làm việc như thế này hoàn toàn không có trước biến cố 11-9”, trung úy Patrick Devlin, một chuyên gia phân tích và đánh giá đe dọa khủng bố ở CTB nói.
Cảnh sát Hercules vũ trang tiểu liên trước một sứ quán ngoại quốc ở New York |
Ngoài CTB ra, Chánh ủy viên cảnh sát Kelly còn ra lệnh thành lập Trung tâm tội phạm thời gian thật (Real Time Crime Center – RTCC) nhằm cung cấp tức thời cho các sĩ quan và cảnh sát viên có mặt ngay tại hiện trường tất cả những thông tin cần thiết nhất liên quan đến các loại hình vụ án, biến động, đe dọa… RTCC được xây dựng với kinh phí 11 triệu USD, có các thiết bị dò tìm phóng xạ và hệ thống 500 camera an ninh được lắp đặt khắp thành phố. Cảnh sát tuần tra luôn giữ liên lạc với RTCC qua thiết bị điện tử cầm tay Blackberry.
Từ năm 2002 trở đi, các chiến sĩ cảnh sát Hercules vũ trang tiểu liên tấn công, súng ngắn, mặc áo chống đạn Kevlar, đầu đội nón sắt đứng gác ở các điểm trọng yếu, các đại sứ quán, các nhà ga, bến cảng, cầu đã là hình ảnh rất quen thuộc với cư dân New York. Hercules được NYPD trang bị 75 xe tuần tra, mỗi quận của New York một chiếc. Họ cũng có 7 trực thăng tuần tra trên không (6 chiếc có sơn logo đơn vị cảnh sát New York, 1 chiếc không sơn, hoạt động bí mật có hệ thống camera có thể đọc được biển số xe cách đó 600m) và 24 tàu tuần trên sông.
Chánh ủy viên cảnh sát Kelly cho biết, nhờ tài do thám và điều phối, phân tích các nguồn tin mật báo của Hercules mà từ sau ngày 11-9-2001 đến nay, NYPD đã phá vỡ được ít nhất 4 âm mưu tấn công của bọn khủng bố, trong đó có vụ một công dân New York người gốc Pakistan chuyển lậu vũ khí vào thành phố. Giới truyền thông đại chúng Mỹ mô tả Hercules nay không khác gì một FBI của riêng thành phố New York.
Bình luận (0)