Trước khi chiếc Boeing số hiệu MH370 biến mất hôm 8-3, hãng Malaysia Airlines (MAS) đã phải đấu tranh để xây dựng cho mình cơ sở chắc chắn về tài chính. MAS đã thua lỗ hơn 1,2 tỉ USD suốt hơn 3 năm qua, bị bủa vây bởi chi phí cao, gia tăng chuyến bay không sinh lãi và 2 đối thủ chi phí thấp cạnh tranh ngay tại sân nhà ở Kuala Lumpur là AirAsia và Malindo Air.
Theo dữ liệu tạp chí Airline Weekly thu thập được, trong năm 2013, MAS là một trong vài hãng hàng không không sinh lãi trên thế giới.
Thua lỗ trầm trọng
Khó khăn về tài chính càng trở nên trầm trọng hơn khi MAS khuếch trương công cuộc kinh doanh. Tìm cách bảo vệ thị phần trước các hãng mới phất và giữ vững được vị thế trong khu vực, năm ngoái MAS đã bổ sung 21 máy bay mới và tăng cường năng lực vận tải của toàn hệ thống lên 19%.
Ngoài ra, MAS còn mua về chiếc siêu phi cơ Airbus A380 với sức chứa 900 hành khách, một quyết định mà các nhà phân tích phê bình là “sự phí tiền ngốc nghếch” - căn cứ vào kích cỡ của máy bay và năng lực thực tế của công ty không thể xoay chuyển được lợi nhuận.
MAS cũng đang phải đua tranh với AirAsia - một trong những hãng hàng không giá thấp lớn nhất châu Á và Malindo Air - hãng hàng không mới bắt đầu bay cách đây một năm tại Malaysia, liên doanh cổ phần giữa các nhà đầu tư Malaysia và Indonesia, đã giới thiệu giá vé rẻ với thị trường khu vực - càng làm cho MAS thiệt hại thêm. Các đối thủ cạnh tranh giá rẻ này đã mở rộng một cách nhanh chóng, trong khi MAS lại chậm thay đổi đường hướng kinh doanh.
Vấn đề mà MAS đang phải đối mặt không chỉ là 2 tấn thảm kịch MH370 và MH17. Theo Daily News, cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s cho biết từ năm 2007 đến 2010, lợi nhuận trung bình của công ty là 0,1%, nghĩa là trong 100 USD doanh thu chỉ có 1/10 cent lãi. Riêng năm 2013, MAS đã chịu lỗ đến 359 triệu USD.
Ngay trước khi xảy ra thảm kịch với chuyến bay MH17 hôm 17-7 ở Ukraine, người ta đã đặt vấn đề về khả năng phát triển và tồn tại của MAS, đặc biệt là sau vụ MH370 mất tích hồi tháng 3.
Sau khi chuyến bay MH370 mất tích, con số thua lỗ trong quý I/2014 được MAS báo cáo lên đến 443 triệu ringgit (tương đương 139 triệu USD), nguyên nhân là do nhiều hành khách - đặc biệt là khách Trung Quốc - chọn các hãng hàng không khác và các điểm đến không phải ở Malaysia.
Dư luận đặt vấn đề về khả năng phát triển và tồn tại của Malaysia Airlines.
Trong ảnh: Một quầy giao dịch của hãng đã bị đóng cửa. Ảnh: AP
Bị trói một tay sau lưng
Để giảm bớt chi phí, MAS phải bỏ một số tuyến đường dài, trong đó chuyến bay đi Mỹ cuối cùng mới kết thúc hồi tháng 6-2014. Thảm kịch mới nhất có thể làm giảm số lượng hành khách hơn nữa dù MAS và các phi công của hãng chẳng làm điều bất thường khi bay vào khu vực miền Đông Ukraine.
“Hãng hàng không Malaysia giống như một số hãng khác, vẫn tiếp tục bay qua không phận Ukraine vì đó là tuyến bay ngắn hơn, ít tốn nhiên liệu và tiền bạc hơn” - ông Norman Shanks, từng phụ trách an ninh tại nhà điều hành sân bay BAA, kể với báo The Telegraph. Khó khăn càng nặng nề hơn khi MAS đề nghị trả lại toàn bộ tiền vé cho những hành khách muốn hủy chuyến bay vào tuần tới.
Thêm vào đó, trong lúc đang gặp khó khăn, MAS còn phải đương đầu với “cơn bão cuồng nộ” từ phía Trung Quốc khi nhiều người dân nước này cho rằng sự đáp ứng của Malaysia đối với cuộc điều tra vụ máy bay MH370 mất tích hôm 8-3 là không thích đáng, không rõ ràng và chậm chạp.
Dù lượng hành khách Trung Quốc hiện chỉ chiếm 7% năng lực của MAS, so với 24% ở châu Âu nhưng sự tăng trưởng vượt bậc về du lịch của Trung Quốc có thể gây khó cho MAS nếu như khách lữ hành nước này chọn hãng hàng không khác cho các chuyến đi quốc tế của họ.
Tháng 6 vừa qua, nhật báo Business Times of Singapore đã hối thúc Khazanah Nasional (quỹ đầu tư chiến lược của chính phủ Malaysia, cổ đông lớn nhất tại MAS) đưa hãng này ra tòa phá sản để cứu vãn gánh nặng về chi phí quá lớn.
Tờ báo đề nghị Khazanah Nasional có thể đi theo con đường của Japan Airlines, hãng hàng không đã tái cấu trúc thành công trong vụ phá sản cách đây 4 năm. Người ta ví tình thế của MAS như sau: Nhân sự thừa thãi, những đòi hỏi liên minh lố bịch và những hợp đồng kiếm được lệch với năng lực của mình cũng giống với tình trạng phải chiến đấu khi một tay bị trói sau lưng.
Các nhà phân tích nhận định: Vụ MH370 đã làm trầm trọng thêm tình hình khó khăn và làm gia tăng thách thức đối với MAS. Thế rồi, ngoài việc đẩy các hành khách tiềm năng ra xa, vụ MH17 còn có thể tạo ra bãi lầy về bảo hiểm. Các chuyên gia bảo hiểm cho biết nhà bảo hiểm của hãng Willis sẽ đền bù giá trị của chiếc máy bay. Thế nhưng, MAS phải bồi thường hàng triệu USD cho gia đình các nạn nhân.
Tuy nhiên, MAS vẫn còn có điểm lạc quan để bấu víu khi tất cả khó khăn nêu trên đã không làm sứt mẻ chất lượng dịch vụ của hãng. MAS hiện vẫn còn là 1 trong 7 hãng hàng không được Skytrax - công ty xếp hạng các hãng hàng không - xếp hạng cao nhất, cùng với Singapore Airlines, All Nippon Airways và Cathay Pacific.
Vấn đề của chính phủ
Những nỗi bất hạnh của MAS lại là vấn đề của chính phủ Malaysia - vốn nắm giữ 69% cổ phần của hãng hàng không này thông qua quỹ đầu tư Khazanah Nasional. Trước khi xảy ra 2 tai nạn máy bay kinh khủng gây chấn động thế giới, nhiều nhà đầu tư và cựu giới chức đã thúc đẩy chính phủ Malaysia từ bỏ phần đầu tư của mình. Thế nhưng, để tìm được người mua số cổ phần đó không phải là chuyện dễ.
Hãng Etihad, từng được xem là đối tác tiềm năng, hồi tháng 6 đã công khai phủ nhận thông tin đang xem xét mua cổ phần của MAS. Sự cộng tác sẽ gay go không chỉ do MAS đối mặt với những khó khăn ác nghiệt về tài chính mà còn vì các nghiệp đoàn - đang cung cấp đa số lao động trong 20.000 nhân viên của MAS - đã nghiền nát nỗ lực thiết lập quan hệ đối tác với hãng hàng không giá rẻ AirAsia năm 2011.
Kỳ tới: Chực chờ tư hữu hóa
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 21-7
Bình luận (0)