Trong tổng mức chi 1.100 tỉ USD có 1.012 tỉ USD cho các cơ quan liên bang, 92 tỉ USD cho chống khủng bố và số còn lại chi cho các nhu cầu đột xuất. Ngoài ra, chi tiêu cho quốc phòng và các chương trình trong nước sẽ tăng 45 tỉ USD để bù cho việc cắt giảm chi tiêu tự động.
Việc thông qua dự luật chi tiêu trên sau thời gian dài đàm phán cũng giúp loại bỏ nguy cơ đóng cửa chính phủ Mỹ một lần nữa trong gần 9 tháng tới, đồng thời tạm ngưng cuộc tranh cãi ngân sách nảy lửa suốt 3 năm qua sau khi phe Cộng hòa giành lại quyền kiểm soát hạ viện.
Tuy nhiên, các chương trình phúc lợi khổng lồ như An sinh xã hội, Chăm sóc y tế, Bảo hiểm y tế và tem phiếu thực phẩm vốn đang từng ngày nhấn chính phủ chìm sâu trong nợ nần đã bị loại khỏi gói chi phí khổng lồ trên. Một số hạ nghị sĩ Dân chủ ủng hộ dự luật trong thế miễn cưỡng khi than phiền rằng chi tiêu cho các lĩnh vực trên hiện quá thấp.
Ngược lại, sau đòn cân não làm chính phủ đóng cửa một phần nhằm kéo luật chăm sóc y tế của Tổng thống Obama “chệch đường ray” hồi tháng 10 năm ngoái, lần này nhóm cực hữu Tea Party trong Đảng Cộng hòa cũng phải xuống nước. “Tôi không nghĩ sẽ có nhiều người phản đối. Số phận đã an bài cho những cuộc chiến ngân sách vào năm tới” - Hạ nghị sĩ Cộng hòa Raul Labrador bóng gió trước cuộc bỏ phiếu ở hạ viện.
Từ khi Đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Hạ viện Mỹ trong cuộc bầu cử năm 2010, các cuộc chiến về ngân sách liên tục diễn ra dưới sức ép giảm thâm hụt. Trong thời gian này, Quốc hội Mỹ đã thông qua một loạt hóa đơn chi tiêu cho các cơ quan chính phủ nhưng chỉ là giải pháp tình thế. Điều này không ngừng đẩy đất nước đến bờ vực bất ổn mà điểm nóng chính là việc chính phủ Mỹ phải đóng cửa 16 ngày đúng vào 3 tháng trước, làm hàng ngàn nhân viên liên bang nghỉ việc.
Từ chỗ chất lượng chính quyền giảm sút và chuẩn bị cho cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ diễn ra trong tháng 11 năm nay, Quốc hội Mỹ phải tính toán lại đường hướng ổn định trong tương lai. Chấp nhận đàm phán ngân sách và tìm kiếm các thỏa hiệp giữa hai đảng là giải pháp được họ lựa chọn, dù rằng một sự đồng thuận chiến lược còn xa vời.
Trước mắt, trong tháng 3 hoặc tháng 4 tới, Quốc hội Mỹ sẽ phải thông qua việc tăng trần nợ, một vấn đề mà Đảng Cộng hòa từng nắm lấy để tạo áp lực buộc chính phủ Mỹ cắt giảm chi tiêu nhiều hơn. Thế nhưng lần này, giọng điệu Chủ tịch Hạ viện John Boehner xem ra dễ chịu hơn. Ông nói hiện chưa có phương án nào nhưng tin rằng vấn đề sẽ được giải quyết bởi vỡ nợ là thảm kịch chẳng ai muốn. n
Bình luận (0)