Chính quyền Trung Quốc hôm 13-5 phản ứng sau khi giới chức quốc phòng Mỹ hé lộ kế hoạch sử dụng máy bay quân sự và tàu hải quân để trực tiếp chống lại yêu sách “đòi chủ quyền” ngang ngược đối với những khu vực mà Bắc Kinh đang tăng tốc xây dựng trái phép ở biển Đông.
Thông điệp mạnh
Kế hoạch này do Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter khởi xướng và được một quan chức giấu tên của Lầu Năm Góc tiết lộ trên báo Wall Street Journal của Mỹ hôm 12-5.
Theo đó, ông chủ Lầu Năm Góc yêu cầu xem xét các khả năng, bao gồm đưa máy bay do thám, tàu hải quân đến khu vực nằm trong vòng 12 hải lý tính từ những bãi đá, bãi cạn nơi Bắc Kinh đang xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa (của Việt Nam).
Một khi được Nhà Trắng thông qua, kế hoạch này sẽ là thông điệp mạnh mẽ cho thấy sự bất bình của Washington đối với hành động “đòi chủ quyền” sai trái của Bắc Kinh ở biển Đông.
Tờ báo dẫn lời giới chức Mỹ khẳng định hiện Lầu Năm Góc và Nhà Trắng muốn có những bước đi cụ thể nhằm chứng tỏ hành động cải tạo đất của Bắc Kinh ở biển Đông đã đi quá xa và cần phải dừng lại.
Lập trường của Mỹ về vấn đề này dự tính sẽ được Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhắc lại khi ông đến Bắc Kinh vào cuối tuần này để chuẩn bị cho vòng đàm phán tiếp theo của Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ - Trung, dự kiến tổ chức ở Washington vào cuối tháng 6 tới.
Tạo tiền lệ mới
Mỹ từng nhiều lần tuyên bố không công nhận các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở biển Đông nhưng hải quân nước này cho đến giờ chưa lần nào triển khai máy bay hay tàu quân sự đến khu vực nằm trong vùng 12 hải lý tính từ các bãi đá, bãi cạn trên nhằm tránh leo thang căng thẳng. Tuy nhiên, đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy Washington sẵn sàng có những bước đi mạnh mẽ hơn.
Tàu chiến USS Fort Worth của Mỹ hôm 11-5 đã tuần tra vùng biển gần nhóm đảo, bãi đá ngầm mà Trung Quốc đang cải tạo ở biển Đông. Cuộc tuần tra đánh dấu lần đầu tiên một tàu tác chiến ven biển (LCS) hoạt động ở vùng biển quốc tế gần quần đảo Trường Sa. Hải quân Mỹ cho biết dù vẫn giữ khoảng cách 12 hải lý nhưng nhất cử nhất động của USS Fort Worth vẫn bị tàu hộ vệ tên lửa Diêm Thành của Trung Quốc theo sát.
Theo ông Fred Kacher, quan chức hải quân thuộc Liên đội Tàu khu trục 7, sẽ có thêm 4 LCS được triển khai đến khu vực biển Đông trong những năm tới. “Việc triển khai nhiều LCS đến Đông Nam Á thể hiện tầm quan trọng của “khu vực đang trỗi dậy” và giá trị mà sự hiện diện lâu dài đem lại” - ông Kacher nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, giới chức Mỹ cũng khẳng định Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) quy định rõ các khu vực khẳng định chủ quyền không được coi là lãnh hải nếu ban đầu chúng không phải là các hòn đảo được công nhận theo thỏa thuận. Do đó, theo Washington, không cần tôn trọng quy tắc vùng 12 hải lý quanh các bãi đá nhân tạo mà Trung Quốc đòi chủ quyền.
Ngoài ra, theo Reuters, việc Mỹ điều tàu và máy bay quân sự tới gần các đảo nhân tạo trái phép nói trên hoàn toàn phù hợp với chiến dịch “Tự do hàng hải” của quân đội nước này, một hoạt động được triển khai từ năm ngoái để thách thức yêu sách trên biển của một số quốc gia, trong đó có Trung Quốc.
Philippines nhờ Mỹ giúp đỡ
Phát biểu tại Viện Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington hôm 12-5, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nhấn mạnh phải hành động nhanh chóng hơn đối với các hoạt động cải tạo và xây dựng, kiểm soát của Trung Quốc ở biển Đông. Ông cũng cảnh báo sự kiểm soát của Trung Quốc có thể dẫn tới các hoạt động quân sự hóa đe dọa luật pháp quốc tế và tự do hàng hải. Theo ông, Philippines sẽ tìm kiếm thêm sự giúp đỡ của Mỹ để ngăn Trung Quốc cải tạo đất trái phép ở biển Đông.
Trước đó một ngày, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop cảnh báo Trung Quốc không được lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Đông, đồng thời thúc giục nước này tránh làm leo thang căng thẳng.
Bình luận (0)