Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7-11 đã đến gần hơn bao giờ hết quốc gia đang đối đầu căng thẳng với Washington thời gian qua khi đặt chân đến thủ đô Seoul - Hàn Quốc.
Thúc giục Bình Nhưỡng đàm phán
Không lâu sau khi đến nơi, ông chủ Nhà Trắng đáp trực thăng đến doanh trại Humphreys ở TP Pyeongtaek, cách biên giới với Triều Tiên khoảng 100 km, để tận mắt thị sát những tài sản quân sự khổng lồ của Mỹ ở Hàn Quốc giữa lúc mối đe dọa hạt nhân, tên lửa từ nước láng giềng Triều Tiên đang tăng.
Ngay cả khi ông Donald Trump không đến khu vực phi quân sự liên Triều trong chuyến công du lần này, giới chức Mỹ và Hàn Quốc nhấn mạnh chuyến thăm doanh trại Humphreys cũng đủ nêu bật quan hệ đồng minh giữa 2 nước.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cùng với các binh sĩ tại doanh trại Humphreys ngày 7-11 Ảnh: Reuters
Tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sau cuộc hội đàm ở Nhà Xanh, ông Donald Trump tuyên bố Mỹ sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự để ngăn một vụ tấn công của Triều Tiên nhưng nhấn mạnh vẫn đang tập trung tận dụng "mọi biện pháp sẵn có khác" để ngăn xung đột. Theo ông chủ Nhà Trắng, Bình Nhưỡng cần phải hiểu rõ sức mạnh quân sự "vô song" hiện nay của Washington, thể hiện qua sự hiện diện của 3 nhóm tác chiến tàu sân bay sắp tập trận ở Tây Thái Bình Dương và một tàu ngầm hạt nhân đã vào vị trí.
Theo đài CNN, tàu ngầm USS Michigan mang theo 154 tên lửa hành trình Tomahawk đã cập cảng Busan vào tháng rồi.
Dù vậy, nhà lãnh đạo Mỹ cũng bất ngờ đưa ra thông điệp mang tính hòa giải khi thúc giục Bình Nhưỡng "ngồi vào bàn đàm phán và đạt thỏa thuận" để chấm dứt cuộc đối đầu hạt nhân hiện nay. Không dừng lại ở những phát biểu trên, Tổng thống Mỹ đã yêu cầu quốc hội thông qua khoản ngân sách 4 tỉ USD dành cho những nỗ lực bổ sung nhằm "phát hiện, đánh bại và bảo vệ trước bất kỳ tên lửa đạn đạo nào của Triều Tiên" nhằm vào Mỹ, đồng minh và đối tác.
Chuyến thăm biểu tượng
Ít nhiều chia sẻ lập trường cứng rắn của ông chủ Nhà Trắng, Tổng thống Moon Jae-in thúc giục cộng đồng quốc tế gây sức ép tối đa lên Triều Tiên thông qua các biện pháp trừng phạt để buộc nước này ngồi vào bàn đàm phán.
Theo hãng tin Yonhap, ông Moon cũng cho biết hai bên đã nhất trí dỡ bỏ giới hạn về khối lượng đầu đạn tên lửa đạn đạo Hàn Quốc trong bước đi nhằm tăng cường sức răn đe chung của 2 nước đối với Triều Tiên. Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí mở rộng việc triển khai luân phiên các vũ khí chiến lược của Mỹ tới Hàn Quốc và các khu vực lân cận, trong lúc kêu gọi Trung Quốc và Nga tăng sức ép lên Bình Nhưỡng.
"Chúng tôi nhất trí bắt đầu thảo luận ngay về chuyện Hàn Quốc phát triển và mua những thiết bị giám sát quân sự tiên tiến nhất" - ông Moon nói tại cuộc họp báo chung. Một quan chức Phủ Tổng thống Hàn Quốc sau đó nói rõ hơn là cuộc thảo luận có đề cập việc Seoul mua hoặc phát triển tàu ngầm hạt nhân có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm của Triều Tiên.
Đài BBC nhận định dù ông Donald Trump chỉ ghé thăm Hàn Quốc trong khoảng 24 giờ nhưng đây có lẽ là chặng dừng chân mang tính biểu tượng nhất trong chuyến công du 5 nước châu Á của nhà lãnh đạo này. Chuyến đi nhằm củng cố hơn nữa mối quan hệ đồng minh giúp bảo vệ Hàn Quốc lâu nay, cũng như nêu bật sự đoàn kết trong nỗ lực đối phó những hành động khiêu khích từ Triều Tiên.
Theo AP, cả hai nhà lãnh đạo Mỹ - Hàn lâu nay vẫn nhất trí gây sức ép lên Bình Nhưỡng bằng trừng phạt và những biện pháp răn đe khác. Tuy nhiên, trong lúc ông Donald Trump đe dọa "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên nếu cần, ông chủ Nhà Xanh lại xem đối thoại là chiến lược tốt nhất để giảm căng thẳng, cũng như phản đối mạnh mẽ kịch bản xảy ra xung đột quân sự đe dọa gây nhiều thương vong ở Hàn Quốc.
Thông qua bài phát biểu trước quốc hội Hàn Quốc ngày 8-11 của ông Donald Trump, người ta sẽ biết rõ hơn liệu có sự điều chỉnh nào trong chính sách của Tổng thống Mỹ đối với vấn đề Triều Tiên hay không. Theo Reuters, chính sách này lâu nay chú trọng các biện pháp trừng phạt và sức ép quân sự, thay vì hướng tiếp cận ngoại giao, với Bình Nhưỡng.
Rầm rộ tập trận
Hải quân Mỹ, Úc và Hàn Quốc đã tiến hành cuộc diễn tập mô phỏng việc ngăn chặn hoạt động vận chuyển vật liệu hạt nhân ra vào Triều Tiên trong 2 ngày 6 và 7-11. Chuẩn đô đốc Choi Sung-mok, Tham mưu trưởng Hải quân Hàn Quốc, cho biết cuộc diễn tập ngoài khơi đảo Jeju này còn nhằm cải thiện hơn nữa khả năng phối hợp đối phó các mối đe dọa có thể xảy ra trên biển.
Theo đài CNN, tham gia diễn tập gồm 4 tàu tuần dương từ 3 quốc gia - tàu khu trục King Sejong Aegis của Hàn Quốc, tàu khu trục USS Chafee Aegis của Mỹ, hai tàu hộ tống của Hải quân Úc Melbourne và Parramatta. Ngoài ra, các máy bay P-3 hỗ trợ và huấn luyện hoạt động tìm kiếm, theo dõi tàu chở vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Không lâu sau cuộc diễn tập trên, 3 tàu sân bay của Mỹ - USS Nimitz, USS Ronald Reagan và USS Theodore Roosevelt - sẽ cùng với các tàu ngầm và khu trục tên lửa dẫn đường có cuộc tập trận chung hiếm hoi ở Thái Bình Dương. Giới chức quốc phòng Mỹ cho rằng sự hiện diện của 3 tàu sân bay trong khu vực nhằm giúp trấn an các đồng minh. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng nhiều khả năng xem đây là hành động khiêu khích trực tiếp từ Washington.
Giới chức Triều Tiên nói với đài CNN rằng Bình Nhưỡng đang theo sát chuyến thăm châu Á của Tổng thống Donald Trump, cũng như giám sát 3 nhóm tàu sân bay Mỹ đang ở ngoài khơi bán đảo Triều Tiên. Họ cho rằng Washington ngày càng có nhiều hành động có thể khơi mào một cuộc chiến tranh Triều Tiên khác.
Xuân Mai
Bình luận (0)