Phát biểu tại một cuộc họp báo sau khi Thủ tướng Iceland Sigmundur Gunnlaugsson tuyên bố từ chức, ông Earnest khẳng định “Hồ sơ Panama” không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với nền kinh tế thế giới.
Khoảng 11,5 triệu tài liệu tài chính và pháp lý bị rò rỉ từ Công ty luật Mossack Fonseca khiến hàng loạt nhân vật quyền lực, bao gồm chính trị gia, thành viên băng đảng mafia, ngôi sao thể thao… bị nghi ngờ dính líu hoạt động rửa tiền, tránh lệnh trừng phạt và trốn thuế thông qua các công ty bình phong ở nước ngoài.
Hiệp hội Quốc tế các nhà báo điều tra (ICIJ) cho biết Mossack Fonseca có liên kết với hơn 1.000 công ty của Mỹ, đa số đều lập trụ sở ở 2 bang Nevada và Wyoming từ năm 2001. Phần lớn các công ty này dường như thoát khỏi sự giám sát của cơ quan quản lý tài chính Mỹ, ít nhất là trong lĩnh vực công cộng.
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết họ đang xem xét “các báo cáo” do ICIJ công bố. Tuy nhiên, người đứng đầu bộ phận hình sự của Bộ này, Leslie Caldwell, từ chối nói rõ thêm.
Tờ USA Today dẫn báo cáo của ICIJ cho thấy Mossack Fonseca (trụ sở tại Panama) đã giúp thành lập 1.026 cơ sở kinh doanh tại Mỹ từ năm 2001. Trong đó, tại bang Nevada, các cơ sở kinh doanh được lập ra bởi Dịch vụ Doanh nghiệp M.F. (MF Nevada). Công ty một thành viên này đóng vai trò đại lý đăng ký cho 1.026 cơ sở kinh doanh nói trên.
Theo Giám đốc điều hành Viện Thuế và Chính sách Kinh tế Mỹ (ITEP) Matthew Gardner, các công ty bình phong ở Nevada và Wyoming sử dụng một số cơ chế được thiết lập tinh vi nhằm tránh bị phát hiện và truy tố.
Hôm 5-4, thành viên sáng lập Mossack Fonseca, ông Ramon Fonseca, khẳng định các hoạt động của công ty mình là hợp pháp. Trả lời phỏng vấn Reuters, ông Fonseca nói rằng Mossack Fonseca chưa bao giờ giúp ai trốn thuế hoặc rửa tiền. Những email của công ty mà ICIJ và tờ báo Đức Süddeutsche Zeitung có được thực chất “đã bị lược bỏ ngữ cảnh” dẫn đến hiểu sai tình hình.
Nhà đồng sáng lập 63 tuổi nhấn mạnh không có sự rò rỉ tài liệu từ bên trong mà đây là một vụ tấn công mạng do tin tặc thực hiện. Ông Fonseca cho biết thêm công ty đã gửi khiếu nại lên Bộ Tư pháp và một cơ quan chính phủ Panama đang xem xét vấn đề này.
Vụ lùm xùm khiến Thủ tướng Iceland Sigmundur Gunnlaugsson tuyên bố từ chức ngày 5-4, trở thành nạn nhân đầu tiên của “Hồ sơ Panama”.
Cập nhật phản ứng liên quan đến "Hồ sơ Panama"
Pháp: Pháp đưa Panama quay lại danh sách các nước không hợp tác trong vấn đề chống trốn thuế, theo đài BBC. Panama đang xem xét các biện pháp trả đũa Pháp nhưng vẫn khẳng định sẵn sàng hợp tác với bất kỳ cuộc điều tra nào liên quan đến "Hồ sơ Panama".
Chile: Chủ tịch Tổ chức Minh bạch Quốc tế ở Chile, ông Gonzalo Delaveau, từ chức sau khi có tên trong "Hồ sơ Panama".
Mỹ: Tổng thống Barack Obama yêu cầu quốc hội xem xét vấn đề chuyển tài sản ra nước ngoài để trốn thuế. Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ công bố các biện pháp mới thắt chặt việc chuyển tài sản ra nước ngoài.
Pakistan: Thủ tướng Nawaz Sharif ra lệnh điều tra các cáo buộc lập công ty bình phong ở nước ngoài.
Trung Quốc: Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 5-4 tuyên bố những thông tin trong "Hồ sơ Panama" liên quan đến các quan chức Trung Quốc - cả đương nhiệm và đã nghỉ hưu, đồng thời có người nhà Chủ tịch Tập Cận Bình - là “vô căn cứ”.
Bộ này cũng từ chối xác nhận việc Bắc Kinh có tiến hành điều tra đối với những nhân vật được đề cập hay không.
Bình luận (0)