Trong một chương trình truyền hình hôm 30-3, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Mike Rogers cùng với Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Dianne Feinstein thông báo họ không tìm thấy bằng chứng liên quan đến việc khủng bố đã chiếm quyền điều khiển chiếc máy bay Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines.
“Cuộc điều tra đi đến kết luận chuyến bay MH370 không xảy ra điều gì bất thường (có dính dáng đến không tặc). Có một trục trặc nào đó diễn ra trong trường hợp này” – ông Rogers nói trên chương trình Fox News Sunday.
Các quan chức Mỹ cũng dẫn thông tin của Cục Điều tra liên bang (FBI) nước này về kết quả điều tra mô hình chuyến bay giả lập MH370 tại nhà riêng các phi công nhưng không phát hiện điều gì khả nghi.
Ông Rogers cho biết sẽ tiếp tục tiến hành phân tích chi tiết về các thiết bị máy tính và điều tra hành khách cùng với phi hành đoàn sau khi chính phủ Malaysia cho rằng lịch trình chuyến bay đã bị ai đó cố ý thay đổi làm chệch hướng. Ông Rogers cho biết thêm quá trình phân tích có thể tốn “một khoảng thời gian kha khá”.
Chung nhận định, Hải quân Mỹ cho rằng việc thiếu thông tin về nơi máy bay mất tích rơi xuống có thể khiến quá trình tìm kiếm kéo dài nhiều năm trời. Hiện hơn 20 quốc gia và 60 tàu cùng máy bay vẫn đang tiến hành tìm kiếm chuyến bay MH370 bị mất tích. Thủ tướng Úc Tony Abbot hôm 31-3 tuyên bố "không đặt giới hạn" cho thời gian tìm kiếm.
Hôm 31-3, tuần dương hạm HMAS Ocean Shield của Úc được trang bị thiết bị dò tìm hộp đen tối tân Towed Pinger Locator của quân đội Mỹ đang rà soát vùng biển phía Tây thành phố Perth nước này cùng với 7 tàu Trung Quốc, 2 tàu Úc và 1 tàu hàng.
Towed Pinger Locator có khả năng phát hiện máy bay quân sự lẫn thương mại bị chìm ở độ sâu lên đến 6.000 m dưới biển, theo Hải quân Mỹ. Quân đội Mỹ từng cho Pháp mượn thiết bị này để tìm hộp đen của chiếc máy bay của Air France bị rơi ở Đại Tây Dương năm 2009.
Ngoài ra, tàu ngầm không người lái Bluefin-21, cũng do Mỹ gửi đến, sẽ tham gia lần tìm dưới mặt biển. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo các mảnh vỡ máy bay phải được ưu tiên tìm kiếm nhằm thu hẹp phạm vi dò tìm.
Một số mảnh vỡ do tuần dương hạm HMAS (Úc) và tàu Hải tuần 01 (Trung Quốc) phát hiện hôm 30-3 nhưng Cơ quan An toàn Hàng hải Úc (AMSA) cho biết đó không phải là mảnh vỡ từ chuyến bay MH370.
Khu vực tìm kiếm mở rộng sang phía Tây thành phố Perth (Úc). Ảnh: BBC
Trong khi đó, một số thân nhân của 153 hành khách Trung Quốc bị mất tích đã đến Kuala Lumpur hôm 30-3 và lập tức tổ chức họp báo để phản đối chính phủ Malaysia.
Đại diện Jiang Hui tuyên bố họ muốn giới chức Kuala Lumpur phải xin lỗi vì xử lý sự cố một cách không minh bạch, cũng như tuyên bố trước đó của Thủ tướng Najib Razak rằng máy bay đã bị rơi không còn người nào sống sót. Gia đình các nạn nhân cũng yêu cầu Malaysia đưa ra bằng chứng cụ thể để làm minh bạch sự việc.
Bình luận (0)