Các lực lượng chính phủ Iraq ngày 19-6 chiến đấu với các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Cận Đông (ISIL) để giành lại nhà máy lọc dầu lớn nhất nước ở TP Baiji. Trong khi đó, Thủ tướng Nuri al-Maliki chờ câu trả lời của Mỹ về yêu cầu không kích và tăng cường theo dõi bằng máy bay không người lái nhằm ngăn chặn ISIL.
Giành giật nhà máy lọc dầu
Nhà máy lọc dầu Baiji, gần Tikrit, cách Baghdad khoảng 200 km về phía Bắc, trở thành chiến trường khi phiến quân ISIL tấn công nơi này, đe dọa nguồn cung cấp năng lượng của Iraq. Đoạn video phát trên kênh truyền hình Al-Arabiya cho thấy khói từ nhà máy bốc lên cuồn cuộn và cờ đen của ISIL bay phấp phới.
Công nhân bị kẹt bên trong cho biết dường như phiến quân đã chiếm hầu hết nhà máy và lực lượng an ninh tập trung quanh phòng kiểm soát của nhà máy. Tuy nhiên, giới chức an ninh Iraq không công nhận nhà máy sắp thất thủ. Khoảng 250-300 công nhân được sơ tán vào sáng sớm 19-6. Đêm trước đó, trực thăng quân sự tấn công các vị trí của phiến quân.
Cột khói bốc lên từ Nhà máy Lọc dầu Baiji
Ảnh: AP
Tại Washington, theo Reuters, tướng Martin Dempsey - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ - tránh trả lời trực tiếp câu hỏi Mỹ có chấp nhận nhờ vả không kích của Iraq hay không. Tuy nhiên, theo đài Fox News, Mỹ đã bắt đầu cho máy bay F-18 do thám trên bầu trời Iraq trong lúc Tổng thống Barack Obama cân nhắc các phương án hành động.
Ngoài ra, một số chính khách thúc giục ông Obama thuyết phục Thủ tướng Maliki ra đi như một điều kiện để Iraq nhận được sự trợ giúp của Mỹ.
Mỹ “hưởng lợi”
Báo Vzglyad (Nga) nhận định trong thời gian sắp tới, nếu Iraq không biến mất trên bản đồ chính trị thì ít nhất sẽ ngưng cung cấp dầu cho thị trường thế giới. Một số công ty dầu quốc tế đã rút công nhân khỏi Iraq, chẳng hạn Exxon Mobil (Mỹ) thực hiện cuộc sơ tán quy mô còn BP (Anh) rút 20% nhân viên.
Với hơn 10.000 công nhân tại nhiều dự án trải khắp Iraq, các công ty dầu lớn của Trung Quốc cũng sẽ sơ tán nếu phiến quân đánh vào Baghdad, theo Thời báo Hoàn Cầu. “Điều không thể tránh khỏi là kinh tế phương Tây sẽ điêu đứng nhưng Mỹ lại hưởng lợi vì lúc này họ không cần dầu mỏ của Iraq” - tờ báo Nga viết.
Tình hình hiện nay cho thấy nguy cơ phiến quân Hồi giáo theo dòng Sunni chiếm các mỏ dầu lớn ở Iraq là rất cao, dẫn đến nguy cơ giá dầu thế giới tăng vọt. Kịch bản này, theo bài báo, phù hợp với mong đợi của Mỹ.
Tổng Giám đốc Quỹ An ninh năng lượng quốc gia Nga, ông Konstantin Simonov, quả quyết: “Sẽ là một sai lầm lớn nếu cho rằng Mỹ muốn giữ giá dầu thấp. Mỹ đang thực hiện các dự án khai thác dầu đá phiến rất tốn kém. Nếu giá dầu giảm, các dự án này sẽ đổ vỡ”.
Dầu mỏ Iraq sẽ không cho phép Mỹ trở thành nhà sản xuất dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ vào cuối thập kỷ này. Vì thế, theo ông Simonov, chẳng có gì lạ nếu Mỹ nhắm mắt làm ngơ trước cuộc khủng hoảng ở Iraq cũng như có chủ ý kìm hãm sản lượng khai thác dầu ở Iraq và mong nước này bất ổn thêm mấy năm nữ
Iran ra điều kiện
Chánh văn phòng Tổng thống Iran Hassan Rouhani, ông Mohammad Nahavandian, hôm 18-6 cho biết Tehran sẽ hợp tác với Washington để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Iraq nếu cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân đang diễn ra ở Vienna - Áo thành công.
Tổng thống Rouhani tuyên bố Iran sẵn sàng can thiệp để bảo vệ các đền thờ Shiite lớn ở Iraq trong khi tài khoản Twitter mang tên nhà lãnh đạo tối cao của Iran - Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei - cáo buộc các tay súng Sunni muốn đẩy thế giới Hồi giáo vào chiến tranh.
Bình luận (0)