Đó là lời kêu gọi được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đưa ra hôm 21-6 giữa lúc NATO đang có một loạt động thái quân sự, như đẩy nhanh các cuộc tập trận và lập một lực lượng phản ứng nhanh của NATO, để đáp trả điều mà họ gọi là "sự can thiệp của Nga vào Ukraine".
Phát biểu với các phóng viên đi cùng ông trong chuyến thăm châu Âu kéo dài 1 tuần, ông Carter nhận định Nga sẽ không thay đổi hướng đi hiện nay dưới thời Tổng thống Vladimir Putin, hoặc có thể là cả sau khi ông không còn ở điện Kremlin.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter. Ảnh: Reuters
Tàu khu trục tên lửa USS Laboon của Mỹ đi vào biển Đen trong ngày 21-6, thay cho tàu khu trục Ross rút về hôm 3-6. Theo Hạm đội 6 Hải quân Mỹ đóng ở Địa Trung Hải, sự hiện diện của USS Laboon "xác nhận cam kết của Mỹ trong việc tăng cường cơ hội tác chiến chung giữa Mỹ, NATO và các đối tác trong khu vực".
Ông Putin được bầu làm tổng thống năm 2012 với nhiệm kỳ kéo dài 6 năm. Luật pháp Nga cho phép làm một tổng thống làm tối đa 2 nhiệm kỳ liên tiếp nên ông Putin vẫn có thể ra tranh cử vào năm 2018 để làm thêm một nhiệm kỳ nữa.
Vì thế, theo ông Carter, Mỹ và NATO cần có cách tiếp cận "mạnh mẽ nhưng cân bằng" đối với Nga.
Tại hội nghị bộ trưởng quốc phòng NATO diễn ra trong 2 ngày 24 và 25-6, ông Carter sẽ kêu gọi cải thiện sức mạnh quân sự của châu Âu để đối phó với những hành động "khiêu khích" của Nga.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải hợp tác với Moscow để chống khủng bố và tìm kiếm một thỏa thuận hạt nhân với Iran. "Bộ trưởng Carter sẽ thúc giục NATO tìm kiếm cách thức mới để đối phó với những mối đe dọa mới, thay vì vẫn bám vào tư tưởng thời Chiến tranh Lạnh" - một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết.
Trước khi dự hội nghị trên, ông Carter đến Đức trong ngày 22-6 để thị sát lực lượng phản ứng nhanh mới lập. Sau đó, tại Estonia, bộ trưởng quốc phòng Mỹ sẽ thăm một tàu chiến vừa trở về từ các cuộc tập trận ở biển Baltic. Ngoài ra, ông chủ Lầu Năm Góc còn cung cấp thêm chi tiết về kế hoạch đưa thiết bị quân sự hạng nặng đến một số nước Baltic và Đông Âu.
Moscow đã lên tiếng chỉ trích tất cả những bước đi trên, đồng thời đe dọa tăng cường lực lượng đáp trả.
Giới chức NATO cho biết thêm ngoài cuộc đối đầu với Nga, sự trỗi dậy của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các nhóm vũ trang cực đoan khác tại Bắc Phi, Trung Đông đã thay đổi đáng kể môi trường an ninh của khối.
Bình luận (0)