Mỹ và Trung Quốc đã thể hiện lập trường đối chọi rõ ràng trong vấn đề biển Đông tại Đối thoại Shangri-La (SLD) lần thứ 15 kéo dài 3 ngày qua ở Singapore.
Tiếp tục bao biện
Trong bài phát biểu ngày 5-6 tại phiên họp toàn thể thứ tư có chủ đề “Thách thức trong việc giải quyết xung đột”, Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, đã dùng những lời lẽ bao biện để đáp trả trực tiếp sự chỉ trích của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter một ngày trước đó. Vị trưởng phái đoàn của Trung Quốc một mặt nói rằng Bắc Kinh mong mỏi tìm kiếm giải pháp hòa bình song lại mạnh miệng tuyên bố nước này không “sợ rắc rối” trong tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng ở biển Đông.
Ông Tôn cũng ám chỉ Washington đang gây bất ổn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương bằng các hoạt động tăng cường hiện diện quân sự cũng như thúc đẩy liên minh giữa lúc căng thẳng gia tăng xung quanh vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông. Trước đó, ông chủ Lầu Năm Góc ngày 4-6 đã cảnh báo việc bồi đắp và xây dựng phi pháp của Trung Quốc trên bãi cạn Scarborough (đang tranh chấp với Philippines) sẽ thúc đẩy “hành động” từ phía Mỹ và các nước khác.
Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc phát biểu tại Đối thoại Shangri-La hôm 5-6
Ảnh: REUTERS
Ngoài ra, ông Tôn nhấn mạnh Trung Quốc “không hề bị cô lập” trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Theo ông Tôn, đây là câu trả lời cho cảnh báo được ông Carter đưa ra hôm trước, theo đó Bắc Kinh có thể dựng lên “Vạn lý trường thành tự cô lập” nếu tiếp tục bành trướng ở biển Đông. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cùng ngày cũng ra tuyên bố phản đối phát ngôn này của ông Carter, đồng thời yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng như người đồng cấp Nhật Bản Gen Nakatani ngừng chĩa mũi dùi vào Bắc Kinh trong vấn đề biển Đông.
Trong những ngày qua, ông Carter và giới chức quốc phòng nhiều nước đã nỗ lực dùng hội nghị an ninh lớn nhất châu Á này để kêu gọi sự tôn trọng đối với phán quyết về vụ kiện của Philippines nhằm vào “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc ở biển Đông. Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague - Hà Lan dự kiến đưa ra phán quyết trong những tuần tới. Tuy nhiên, tại SLD năm nay, Trung Quốc một lần nữa bất chấp dư luận khi tiếp tục khẳng định không chấp nhận tham gia phiên tòa này và sẽ không tôn trọng phán quyết của PCA. Ông Tôn Kiến Quốc còn lớn tiếng quở trách Philippines vì đơn phương theo đuổi vụ kiện trên, đồng thời chỉ trích một số “nước lớn” đang khuyến khích các nước nhỏ “bắt nạt” Trung Quốc!
Tránh né câu hỏi
Theo tờ The Wall Street Journal (Mỹ), trong phần hỏi đáp, như thường lệ, đại diện Trung Quốc nhận được rất nhiều câu hỏi từ cử tọa, hầu hết liên quan đến tình hình biển Đông. Tuy nhiên, cũng như năm ngoái, Đô đốc Tôn lại gây thất vọng khi tránh trả lời trực tiếp những chất vấn về cách hành xử ngang ngược của Trung Quốc ở tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới này. Thay vào đó, ông đọc vanh vách những luận điệu xuyên tạc cũ rích của Bắc Kinh từ những tờ giấy đã chuẩn bị trước. Không đồng tình với những phát biểu đó, ông Chung Min Lee, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Trường ĐH Yonsei (Hàn Quốc), nói với ông Tôn rằng “nhiều nước châu Á không tin Trung Quốc” vì “sự hung hăng” của nước này ở khu vực.
Cộng đồng quốc tế ngày càng quan ngại rằng nếu phán quyết của PCA bất lợi với Trung Quốc, nước này có thể ngang nhiên thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Đông, như đã từng làm trên biển Hoa Đông năm 2013. Phát biểu khi đang ở thăm Mông Cổ ngày 5-6, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã cảnh báo Trung Quốc về bước đi khiêu khích này: “Chúng tôi sẽ xem một ADIZ… trên biển Đông như một hành động khiêu khích, gây bất ổn trong khu vực, gia tăng căng thẳng và khiến người ta hoài nghi về cam kết của Trung Quốc là giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông bằng con đường ngoại giao. Vì thế, chúng tôi thúc giục Trung Quốc không đơn phương có hành động khiêu khích này”.
Lời lẽ cứng rắn nêu trên được đưa ra ngay trước khi ông Kerry đến Bắc Kinh dự Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung vào đầu tuần này. Theo The Wall Street Journal, những căng thẳng trong quan hệ hai nước, nhất là vấn đề biển Đông, chắc chắn phủ bóng đen lên sự kiện dự kiến diễn ra trong 2 ngày 6 và 7-6 này.
Bình luận (0)