Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến đặt chân đến TP Seattle trong ngày 22-9 (giờ địa phương), bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên đến Mỹ. Sau 2 ngày ở lại thành phố này, ông Tập sẽ đến thủ đô Washington trước khi được Tổng thống Mỹ Barack Obama đón tiếp tại Nhà Trắng ngày 25-9. Cũng trong khuôn khổ chuyến đi, ông Tập sẽ phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở TP New York ngày 28-9.
Quan hệ “phức tạp”
Đài BBC nhận định trong chuyến công du này, nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn tìm kiếm “một mô hình mới” trong quan hệ “đầy phức tạp” và ngày càng “khó nắm bắt” với nước chủ nhà.
Dù vậy, không dễ để ông Tập Cận Bình đạt được mục tiêu này trong bối cảnh quan hệ song phương bị bao phủ bởi sự ngờ vực và một loạt bất đồng, từ tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông và cáo buộc Bắc Kinh dính líu đến các vụ tấn công mạng nhằm vào Washington.
“Mỹ ngày càng hoài nghi về những ý định của Trung Quốc. Bầu không khí của cuộc gặp thượng đỉnh lần này có thể u ám hơn bao giờ hết kể từ sự kiện Thiên An Môn năm 1989” - ông Aaron L. Friedberg, giáo sư về chính trị và các vấn đề quốc tế tại Trường ĐH Princeton (Mỹ), nhận định.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
trong lần gặp nhau ở Bắc Kinh hồi tháng 11-2014Ảnh: AP
Những thách thức trên đòi hỏi chủ và khách nỗ lực nhiều hơn để tìm tiếng nói chung. Vấn đề là ông Obama đang đối mặt với sức ép ngày càng tăng trong nước về việc phải có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc, nhất là khi Bắc Kinh không coi cảnh báo của Washington ra gì.
Những hình ảnh vệ tinh công bố ngay trước thềm chuyến đi của ông Tập cho thấy Trung Quốc tiếp tục cải tạo đất phi pháp ở biển Đông bất chấp tuyên bố đã dừng trước đó. Không những thế, Bắc Kinh còn có động thái xây dựng đường băng trên đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam để tiếp nhận máy bay ném bom.
Nóng chuyện an ninh mạng
Một cái gai khác là vấn đề tấn công và gián điệp mạng. Mỹ nóng ruột hơn nhiều kể từ khi tin tặc bị cáo buộc liên hệ đến Trung Quốc đánh cắp dữ liệu cá nhân của hàng chục triệu nhân viên liên bang nước này. Chưa hết, hãng Apple hôm 21-9 cho biết đang tiến hành các bước để loại bỏ mã độc bị đưa vào một số ứng dụng thường được sử dụng trên điện thoại iPhone, máy tính bảng iPad ở Trung Quốc.
Theo báo The Wall Street Journal, chính quyền Tổng thống Obama đã sẵn sàng phủ đòn kinh tế mạnh đối với Trung Quốc nếu nước này không chịu chấm dứt tấn công mạng và đánh cắp bí mật của doanh nghiệp Mỹ. Trong động thái cho thấy Mỹ không dọa suông, ông Obama vào tuần rồi khẳng định nước này xem tấn công mạng là mối đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia. Tuy nhiên, thái độ của Bắc Kinh cho đến giờ là… than thở rằng mình cũng là nạn nhân của tin tặc.
Có một chút an ủi, theo hãng tin AP, là Mỹ - Trung đang có được tiếng nói chung trong một số vấn đề nhất định, như kiềm chế tham vọng hạt nhân của Iran và Triều Tiên. Ngoài ra, dù 2 nước khó tìm được giải pháp đột phá cho những bất đồng lâu nay thì cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới ít ra có thể mang lại một số cử chỉ hòa giải, như khởi động lại đối thoại về an ninh mạng và một thỏa thuận nhằm tránh đối đầu ngoài ý muốn giữa máy bay quân sự 2 bên.
Trước khi đến Nhà Trắng, ông Tập Cận Bình dự kiến tham gia các sự kiện liên quan đến kinh tế ở Seattle. Hiện chưa rõ ông có dự Diễn đàn Công nghiệp internet Mỹ - Trung diễn ra ở địa phương này trong ngày 23 và 24-9 hay không. An ninh được siết chặt quanh khách sạn Westin ở trung tâm Seattle, nơi ông Tập nghỉ lại trong 2 đêm. Chính quyền địa phương đã phong tỏa 9 dãy nhà xung quanh khách sạn và cấm các phương tiện giao thông đi lại trong khu vực này.
Người Mỹ lo mắc nợ Trung Quốc
Cuộc thăm dò mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ) cho thấy 54% người Mỹ không có cái nhìn thân thiện đối với Trung Quốc, tiếp nối đà tăng từ năm 2010. Theo hãng tin AP, 67% người Mỹ được hỏi xem việc Washington đang nợ Bắc Kinh 1.270 tỉ USD là “vấn đề nghiêm trọng”. Ngoài ra, 60% người Mỹ lo ngại nguy cơ mất việc làm do “sự cạnh tranh của Trung Quốc”. 54% người xem làn sóng tấn công mạng có xuất xứ từ Trung Quốc là mối đe dọa lớn.
Những tỉ lệ nói trên trong cuộc khảo sát năm 2012 lần lượt là 78%, 71% và 50%, qua đó cho thấy nỗi lo của người Mỹ về tấn công mạng ngày một tăng. Điều này thể hiện rõ qua sự kiện Tổng thống Obama cùng các quan chức Nhà Trắng và ngoại giao không còn ở khách sạn Waldorf-Astoria khi đến TP New York dự kỳ họp thường niên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Dù không nói ra nhưng ai cũng biết việc khách sạn này lọt vào tay một tập đoàn bảo hiểm Trung Quốc đã dẫn đến nỗi lo về nguy cơ bị do thám.
Xuân Mai
Bình luận (0)