Tùy thuộc vào quan hệ Mỹ - Trung mà châu Á trong 20 năm tới sẽ trải qua thời kỳ “hòa bình, thịnh vượng” hay “chia rẽ, đối đầu”. Đó là dự báo của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại hội nghị quốc tế “Tương lai châu Á” ở Tokyo - Nhật Bản hôm 22-5.
Trong bài phát biểu, theo đài Channel News Asia, Thủ tướng Lý Hiển Long phác thảo 2 kịch bản cho châu Á trong 20 năm tới. Thứ nhất, nếu quan hệ Mỹ - Trung nồng ấm và kinh tế Nhật Bản phục hồi, châu Á sẽ tận hưởng thời kỳ “hòa bình, thịnh vượng” khi các quốc gia bắt tay nhau vì lợi ích chung, đồng thời cạnh tranh trong hòa bình.
“Một môi trường chiến lược ổn định sẽ thúc đẩy sự hợp tác kinh tế trong khu vực. Sự phụ thuộc lẫn nhau nhiều hơn về kinh tế sẽ nâng cao mức sống người dân và đóng góp cho hòa bình khu vực” - nhà lãnh đạo Singapore nhấn mạnh. Trong kịch bản này, các quốc gia ASEAN có thể “tăng cường hợp tác, hội nhập” và “giữ vai trò trung lập trong mối quan hệ giữa các cường quốc”.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu tại Hội nghị quốc tế Tương lai châu Á
Ảnh: Nikkei Asian Review
Kịch bản còn lại sẽ là một châu Á “chia rẽ, đối đầu” bởi sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc gây mất cân bằng trong khu vực lẫn trong quan hệ Trung - Mỹ. Châu Á sẽ chứng kiến sự gia tăng của tranh chấp lãnh thổ và chủ nghĩa dân tộc. ASEAN sẽ buộc phải “chọn phe để chơi”, biến Đông Nam Á thành “một chiến trường đại diện” giữa các cường quốc với nhau.
Thủ tướng Lý Hiển Long cảnh báo: “Một môi trường như thế chắc chắn sẽ cản trở hội nhập kinh tế. Các tranh chấp thương mại, cuộc chiến tiền tệ, trả đũa bảo hộ thương mại xảy ra nhiều hơn. Lợi ích chung giảm đi, mâu thuẫn tăng lên và các quốc gia sẽ khó kiềm chế hơn khi xảy ra xung đột”.
Theo Thủ tướng Lý Hiển Long, Mỹ - Trung là “quan hệ song phương quan trọng nhất thế giới” nhưng lại dễ mất kiểm soát nếu một bất đồng nào đó leo thang thành bạo lực. Ông đặc biệt khuyến cáo chính phủ Trung Quốc thận trọng trong quá trình phát triển của mình bởi những thay đổi của Bắc Kinh trong thời gian tới là “chưa hề có tiền lệ ở quốc gia nào”.
Trong nỗ lực kiềm chế Trung Quốc, Mỹ đang không ngừng khẳng định tầm quan trọng của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Ngoài ra, Washington còn nỗ lực củng cố niềm tin của đồng minh về chính sách xoay trục sang châu Á, từ đó bảo đảm ảnh hưởng quân sự của Mỹ tại “chuỗi đảo thứ nhất” - nối dài từ Hàn Quốc, qua Nhật Bản, Đài Loan, đến Philippines và Singapore.
Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế
Phát biểu tại hội nghị quốc tế “Tương lai châu Á”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ trích những hành động sai trái của Trung Quốc trong vùng biển Việt Nam.
Phó Thủ tướng phát biểu: “Hòa bình, ổn định và sự đi lại ở biển Đông bị đe dọa nghiêm trọng thời gian qua. Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan dầu nước sâu cùng hàng trăm tàu, trong đó có tàu hải quân và máy bay quân sự vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hành động này vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế”. Theo Phó Thủ tướng, hành động sai trái của Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam bởi biển Đông đóng vai trò rất quan trọng với thế giới.
Bình luận (0)