Chứng kiến mối quan hệ với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) bị đóng băng do cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Nga bắt đầu đa dạng hóa nền kinh tế và mở rộng thương mại với các nước châu Á, trong đó có ASEAN.
Đánh giá cao Việt Nam
Chuyến thăm khu vực này đầu tháng 4 của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã nêu bật ý định cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc tại thị trường ASEAN. Theo các tuyên bố chung trong chuyến đi, Nga nhắm đến mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch thương mại với 3 nước Việt Nam, Thái Lan và Indonesia vào năm 2020.
Vị thế của Việt Nam trong khu vực được các chuyên gia Nga đánh giá cao. “ASEAN hiện là thị trường năng động và tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Thông qua Việt Nam, (Nga) có thể tiến vào khu vực này và ký hợp đồng với các thành viên khác của khối” - ông Yaroslav Lisovolik, trưởng bộ phận phân tích của Deutsche Bank tại Nga, nhận định.
“Doanh nghiệp Nga thường không cạnh tranh được với các doanh nghiệp EU, Mỹ, Úc và Trung Quốc đang hoạt động ở Việt Nam và Thái Lan” - ông Yury Zaitsev, thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế ứng dụng tại Học viện Kinh tế quốc dân và Quản trị công (RPANEPA) trực thuộc tổng thống Nga, thừa nhận.
Tuy nhiên, theo trang Russia Beyond The Headlines, bù lại, Nga có một vài ưu thế về ngoại thương với ASEAN. Ông Lisovolik nhấn mạnh Nga có thể mở cửa toàn bộ thị trường Liên minh Kinh tế Á Âu cho các đối tác ở ASEAN. Ngoài ra, đề nghị hợp tác về nhiên liệu và năng lượng với Nga có thể hút sự quan tâm của nhiều nước.
Không dừng lại ở ASEAN, ông Viktor Sumsky, Giám đốc Trung tâm ASEAN thuộc Trường ĐH Quan hệ Quốc tế quốc gia Moscow, cho rằng Nga sẽ đẩy mạnh hợp tác giữa các khu vực với mục đích thu hút đầu tư vào vùng Viễn Đông. Hơn nữa, theo hãng tin Yonhap, Hàn Quốc có ý định cùng Nga tham gia dự án ở đặc khu kinh tế Rajin-Sonbong tại Triều Tiên vào cuối tháng 4 này.
Vực dậy giá dầu
Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich hôm 15-4 cho biết nước này đã tiến hành các cuộc hội đàm tích cực chưa từng có với Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu ở Mỹ Latin. Bộ trưởng Dầu mỏ Nga Alexander Novak cũng cho biết ông đã đối thoại với Tổng Thư ký OPEC Abdulla al-Badri cách đây mấy ngày. Chưa hết, Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Saudi Ali al-Naimi đã thảo luận với Đại sứ Nga tại Riyadh, ông Oleg Ozerov, về thị trường dầu mỏ hôm 14-4, theo hãng tin SPA.
Đây được xem là một phần nỗ lực ngoại giao âm thầm nhằm gây sức ép để OPEC, nhất là Ả Rập Saudi, cắt giảm sản lượng khai thác tại hội nghị diễn ra vào ngày 5-6 tới. “Nếu OPEC và các nhà sản xuất dầu khác đạt được thỏa thuận nào đó thì cuộc chơi có thể thay đổi” - Gene McGillian, nhà phân tích cao cấp tại Công ty Tradition Energy (Mỹ), nhận định.
Tuy tăng cường tiếp xúc với OPEC nhưng bản thân Moscow vẫn bác bỏ lời kêu gọi cắt giảm sản lượng, một phần do thời tiết khắc nghiệt ở vùng Siberia. Lập trường này khiến một số nước vùng Vịnh không hài lòng vì họ muốn các bên đều phải giảm khai thác. Moscow từng thất bại trong việc thúc ép OPEC giảm sản lượng dầu tại hội nghị vào tháng 11-2014 trong bối cảnh giá dầu xuống thấp ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của Nga.
Hơn 3 triệu câu hỏi cho ông Putin
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 16-4 có buổi giao lưu trực tuyến “marathon” thường niên với người dân từ mọi miền nước Nga. Số câu hỏi gửi tới cuộc trả lời lần thứ 13 trên cương vị lãnh đạo nước Nga của ông Putin lập kỷ lục với hơn 3 triệu câu trong khoảng 4 giờ chất vấn, nội dung hỏi từ kinh tế nước nhà tới cái chết của chính trị gia đối lập Boris Nemtsov cũng như quan hệ với Ukraine hay hợp đồng bán tên lửa S-300 cho Iran…
Ngay từ câu trả lời đầu tiên, ông chủ Điện Kremlin nhấn mạnh sự lạc quan rằng kinh tế Nga có thể quay lại đà tăng trưởng trong chưa đầy 2 năm tới. Ông tiếp tục kêu gọi tận dụng hoàn cảnh cấm vận kinh tế để tiến lên bước phát triển mới.
Ông Putin chỉ trích giới lãnh đạo hiện tại của Ukraine phạm nhiều sai lầm và cho rằng chính Kiev đang tự tay cắt đứt liên hệ với vùng Donbass. Theo tổng thống Nga, nguyên tắc đối ngoại của Moscow không dựa trên khái niệm “thích” hay “không thích” mà căn cứ vào lợi ích quốc gia. Ông nhấn mạnh chiến tranh Nga - Ukraine là điều không thể xảy ra và không có bất cứ binh sĩ nào của Nga ở Ukraine.
Đáp lại chất vấn của Hiệu trưởng Viện Quan hệ quốc tế tại Moscow, ông Anatoly Torkunov, về thỏa thuận bán tên lửa phòng không S-300 cho Iran, Tổng thống Putin giải thích Nga nối lại hợp đồng bị gián đoạn - ký từ năm 2007 - sau khi nhận thấy sự nhượng bộ đáng kể trong chương trình hạt nhân của Tehran.
Đối với vụ ám sát ông Nemtsov, tổng thống Nga gọi đó là một thảm kịch và lực lượng điều tra đã xử lý vụ án hết sức khẩn trương. Tuy nhiên, ông không cho biết liệu có khả năng tìm được dấu vết kẻ chủ mưu hay không.
Thu Hằng
Bình luận (0)